|
Nguyên Nhân Gì Phát Sinh Tam Tai?
Hòa
Thượng Tuyên Hóa
Tam tai gồm có hai loại là
đại tam tai và tiểu tam tai. Đại tam tai là ba tai họa lớn về
lửa, nước và gió. Tiểu tam tai là ba tai họa nhỏ về chiến tranh,
đói kém và bệnh dịch. Đó cũng tức là tai kiếp. Trong một đại
kiếp thì có bốn trung kiếp, gồm thành, trụ, hoại, và không. Mỗi
trung kiếp lại có hai mươi tiểu kiếp. Vào cuối thời kỳ giảm kiếp
của mỗi trụ kiếp thì phát sanh hiện tượng tiểu tam tai. Còn đại
tam tai thì phát sanh trong thời kỳ hoại kiếp của mỗi đại kiếp.
Bây giờ chúng ta hãy bàn đến nguyên nhân phát sanh đại tam tai.
Bởi con người có tâm tham nên mới phát sanh ra thủy tai; con
người có tâm sân hận mới sanh ra hỏa tai; con người có tâm ngu
si mới sanh ra phong tai. Cho nên tam tai đều là do tam độc mà
sanh khởi. Trong tâm chúng ta, ai ai cũng có đầy đủ cả ba độc -
tham, sân, si. Ba thứ độc trong tâm này mỗi ngày một lớn rộng ra
và khi đến một mức độ nhất định, sẽ hình thành đại tai kiếp.
Tam tai phát sanh cũng có thứ lớp, bởi con người có thất tình -
hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (tức là vui, giận, buồn, sợ, thương,
ghét, muốn). Bảy loại tình cảm này dần dần phát triển rộng ra.
Và mỗi một loại tình sẽ phát sanh một lần tai họa, cho nên mới
hình thành bảy lần hỏa tai. Sau bảy lần hỏa tai thì sẽ phát sanh
một lần thủy tai. Trong bảy loại tình cảm, mỗi loại lại chia ra
làm bảy, cho nên mỗi cái “thất hỏa nhất thủy” (bảy trận lửa cháy,
một trận nước lụt) này sẽ theo thứ tự mà xảy ra bảy lần. Rồi lại
xảy ra bảy lần hỏa tai khác. Đến lúc sau cùng thì phong tai phát
sanh và hủy diệt toàn cả thế giới.
Khi hỏa tai phát sanh, ngọn lửa có thể thiêu đốt đến tầng trời
Sơ thiền của Sắc giới (tức gồm các cõi Phạm Chúng Thiên, Phạm
Phụ Thiên và Đại Phạm Thiên).
Lúc thủy tai phát sanh thì nước có thể ngập đến tầng trời Nhị
thiền của Sắc giới (tức gồm các cõi Trời Thiểu Quang, Trời Vô
Lượng Quang và Trời Quang Âm). Khi phong tai phát sanh thì gió
có thể thổi đến các tầng trời Tam thiền của Sắc giới (tức là các
cõi Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên và Biến Tịnh Thiên).
Cho nên nói:
Sáu cõi trời Dục có năm suy,
Cõi Trời Tam Thiền có phong tai,
Dẫu như tu đến Phi Phi Tưởng,
Không bằng về Tây rồi trở lại.
Phong tai từ đâu tới? Nó đến từ sự tổng kết của bảy thứ tình cảm
- hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Phong tai thì tượng trưng cho si
độc. Khi con người còn ngu si, thì cái gì cũng quên bẵng. Do đó,
khi đại phong phát khởi, mọi thứ từ cõi trời Tam Thiền đến tận
dưới địa ngục đều không còn, tất cả đều bị quét sạch. Tuy nhiên,
dù cho hỏa tai, thủy tai hoặc phong tai có phát sanh đi nữa, thì
nội viện ở trên cõi trời Đâu Suất của Dục giới cũng vẫn tồn tại,
chẳng bị ảnh hưởng mảy may nào. Tại sao vậy? Bởi đó là cõi Tịnh
độ của chư Phật và Bồ Tát. Hiện nay, Bồ Tát Di Lặc đang ngự tại
nội viện trên cung trời Đâu Suất, chờ đến trụ kiếp thứ mười
trong thời kỳ Hiền Kiếp, Ngài mới giáng lâm thế giới Ta Bà để
giáo hóa chúng sanh (hiện tại chúng ta đang ở vào thời Giảm Kiếp
của Trụ Kiếp thứ chín).
Tham sân si hình thành biết bao loại ác khí, giống như những hạt
nguyên tử trong bom nguyên tử; nguyên tử là thứ vật chất đáng sợ,
nhưng thứ nguyên tử phát sanh từ lửa Tam muội của chúng ta thì
lại càng đáng sợ hơn nữa. Loại nguyên tử này không phải đến từ
bên ngoài, mà vốn đã có sẵn trong tự tánh của chúng ta. Chân hỏa
Tam muội trong tự tánh của chúng ta vốn là thuần dương, nhưng vì
bị chúng ta lạm dụng nên biến thành lửa dục vọng.
Trong thân người có tam tiêu hỏa (ba tầng hỏa khí) là thượng
tiêu hỏa, trung tiêu hỏa và hạ tiêu hỏa. Tam tiêu hỏa này có thể
hình thành hỏa tai, hoặc biến thành bom nguyên tử để hủy diệt
tất cả mọi thứ. Bởi bên trong chúng ta có bom nguyên tử, cho nên
bên ngoài mới có bom nguyên tử. Chúng được hình thành bởi có sự
tương ứng và tương tục với nhau. Hiện nay trên thế giới xảy ra
nhiều vấn đề cũng đều là từ điểm này.
Trong tâm chúng ta có cái gì thì bên ngoài có cái đó. Nếu trong
tâm chúng ta không có chiến tranh thì bên ngoài cũng sẽ không có
chiến tranh. Cho nên nói “Tất cả do tâm tạo” là vậy!
Giảng ngày 29 tháng 7 năm 1985
Chú thích: Tam tiêu:
Ba tầng hỏa khí, tức là ba ngăn trống trong thân mình: Thượng
tiêu (ngăn trên - nơi chứa phổi, tim, gan); Trung tiêu (ngăn
giữa - nơi chứa bao tử, lá lách, ruột non); Hạ tiêu (ngăn dưới -
nơi chứa bang quang, ruột già).
|