|
|
Phật Tổ Đạo Ảnh Bài Tựa Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh Bài
Tựa Tái Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh
Phật
Tổ Đạo Ảnh,
đúng theo danh xưng là một tác phẩm miêu họa pháp tướng cùng
ghi chép đạo hạnh các lịch đại Tổ sư Ấn-độ và Trung Hoa,
mong để lại cho kẻ tu hành đời sau những tấm gương soi, không
ngoài ý nghĩa “kiến hiền tư tề”,tức nhằm mục đích
khích lệ mọi người trông thấy gương các bậc thánh hiền mà
khởi tâm nối gót theo . Xét
về lai lịch thì Phật Tổ Đạo Ảnh xuất hiện từ
thời Minh, do công lao của cả hai phái tăng và tục đã cùng nhau
phát tâm minh họa dung nhan các vị thánh tăng Ấn và Hoa, sau đó
tàng trữ tại tự viện núi Ngưu Thủ. Đại sư Hám Sơn có
sọan các bài tán và truyện còn Đại sư Tử Bá thì cho khắc
từng bản để lưu truyền. Vào
cuối thời nhà Minh. đầu triều đại Thanh, hòa thượng trụ trì
chùa Dũng Tuyền, núi Cổ-Sơn thuộc Phúc-Châu là Đại sư Vĩnh-Giác
đã cùng với môn đệ là Lâm Thiền sư tìm cách sưu tập những
bức pháp tướng của các vị Tổ sư, soạn thêm các bài
truyện, tán, rồi cho khắc để in ra lưu truyền hậu thế, tổng
cộng được 122 vị. Bản in này có tên là bản Chân Tịch. Đến
hồi cận đại, trong thời gian trụ trì tại chùa Dũng-Tuyền, Hòa
thượng Hư Vân nhận thấy bản in quý giá đó rất quan trọng đối
với sử của Thiền Tông, nhưng trải qua hơn 270 năm, số cũ
chỉ còn lại 117 hình, và trong số này, có khi bài tán và hình tượng
lại không ăn khớp với nhau, do đó mới bỏ công chỉnh lý lại
toàn bộ. Hòa thượng bèn tổ chức tăng chúng chia nhau đi các nơi
sưu tập tư liệu, đồng thời phái người đi Thượng Hải
thỉnh bộ Tục Tạng Kinh về gia công tra cứu để bổ túc thêm
bằng các truyện ký. Nguyên
dưới trào vua Quang-Tự nhà Thanh, phòng kinh Mã-Não ở Tô-châu đã
cho in sách Phật Tổ Đạo Ảnh do Đại sư Thủ-Nhất
tự tay biên tập. Nguyên do là trước đó Đại sư đã kiếm được
tập Tông Môn Chính Mạch Đạo Ảnh, một bản cũ không còn
nguyên vẹn của chùa Vân-Phúc khắc, rồi sau, có thêm được tư
liệu thứ hai là bản Chân-Tịch, nên kết hợp lại, biên
thành 4 quyển, với hình tượng của 240 vị Tổ sư. Sách Phật
Tổ Đạo Ảnh mà Hòa thượng Hư-Vân hiệu đính và bổ túc
chủ yếu nhằm vào tác phẩm này của Đại sư Thủ-Nhất. Năm
1935, sau khi gom góp hình tượng các vị Tổ sư đủ các tông phái,
gồm cả Ấn Hoa, tất cả được 303 vị, Hòa thượng Hư-Vân
sắp xếp các bài truyện, tán cho phù hợp với các tôn tượng và
nhan đề sách là “Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh”,
tức là đã nêu rõ sách vẫn y cứ vào nguyên bản của Đại sư
Thủ Nhất, chỉ có thêm vào phần gia tăng và hiệu đính mà thôi.
Hòa thượng viết tựa, trong đó có ghi đủ nhân duyên. Năm ấy
sách được in ra đóng thành 4 tập để lưu hành. Hai mươi năm
sau (1955) lại có thêm 27 tôn tượng, sọan thêm truyện và tán để
bổ sung lần nữa, như vậy cộng tất cả được 330 vị. Trong
quá trình biên tập Phật Tổ Đạo Ảnh, Hòa thượng
Hư-Vân đã dầy công tìm kiếm tư liệu, đặc biệt có nhiều
khảo chứng trong phạm vi Thiền tông ; sử liệu có chỗ nào sai
lầm thì đính chánh và tất cả được ghi chép trong bài “Pháp
hệ Khảo chứng”, biểu thị một sư quan tâm rất là sâu đậm
! Năm
1956, Hòa thượng đặc biệt giao sách Phật Tổ Đạo Ảnh
cho Thượng nhân Tuyên Hóa và trong thư có ghi rằng : “Sách này
xin tặng Thượng nhân làm lưu niệm cũng như để tự lợi lợi
tha”. Năm 1962, Thượng nhân qua Mỹ truyền bá giáo pháp, đến năm
1976 thì thành lập Đại học Pháp Giới Phật Giáo tại Vạn
Phật Thánh Thành, còn tại chùa Kim sơn ở San Francisco thì lập
ra một phân hiệu lấy 6 tông chỉ chẳng tranh, chẳng tham,
chẳng cầu, chẳng tự tư, chẳng tự lợi, chẳng nói dối để
làm châm ngôn giáo huấn của trường. Giả sử ai ai cũng tuân
thủ như vậy thì trong gia đình sẽ có hạnh phúc, ngoài xã hội
sẽ có an ninh, quốc gia được phú cường, thế giới được bình
an. Sáu tông chỉ đó chính là căn bản để làm người, để thành
Phật vậy. Hồi
đó Thượng nhân chuyên lấy sách Tăng Đính Phật Tổ Đạo
Ảnh làm tài liệu giảng huấn, dạy dỗ đệ tử học
tập pháp môn khai ngộ của các lịch đại Tổ sư Ấn Hoa.
Giảng tới vị nào Thượng nhân cũng sọan một bài kệ thâu tóm
đại ý nói trong truyện và tán, vừa giản ước vừa rõ ràng để
học sinh dễ bề lãnh hội. Người dạy cách giảng tập, cho
học sinh diễn giảng trước rồi kế đó bổ khuyết thêm, luôn
luôn dạy bảo không kể mỏi mệt, nhắc nhở mọi người, lấy
cái thiển cận trước mắt để dẫn tới chỗ thâm sâu, khiến
cho ai nấy ít nhiều đều có sự lợi ích. Để
ánh sáng Phật pháp được tỏa rộng, Thượng nhân còn bổ sung
vào tập sách thêm 7 vị Tổ trong tông Tịnh Độ cùng với 8 vị
Cao tăng thời cận đại, nhan đề là Tái Tăng Đính Phật Tổ
Đạo Ảnh. Năm 1986 nguyên bản được mang ra ấn hành trước,
đóng thành 4 tập mỗi bộ, xếp trong bao ngoài cổ kính, rõ ra là
một đóng góp phong phú cho sử liệu Thiền tông. Đến nay, năm 2004, tính ra Thượng nhân đã viên tịch gần 10 năm. Nhớ tới tiền nhân khổ công gìn giữ thánh giáo mà người đời nay lại thiếu sự hiểu biết đối với văn cổ, e rằng người học đạo sau này khó nhận ra ngay giá trị đạo ảnh của các vị Tổ sư, do đó, nhân có những bài giảng bạch thọai của Thượng nhân năm xưa đã lần lượt được ghi ra, nghĩ nên cho in vào các tập, cũng là góp phần công lao trong muôn một. Trong phần diễn giảng, có thể có chỗ do học viên giảng tập mà sau đó không thấy Thượng nhân nhắc lại thì sẽ có bị chú kèm theo, ghi ở cuối các thiên nói về mỗi vị Tổ sư, ngỏ hầu bảo trì toàn vẹn nội dung lời truyền thuật của Thượng nhân. Nay,
Phật Tổ Đạo Ảnh giảng bằng bạch thọai, quyển thứ
nhất – nói về các lịch đại Tổ Sư Ấn-Độ - ra đời, hồi
tưởng lại nội dung toàn bộ tác phẩm, trong đó ghi chép từ
vị sáng lập ra Phật giáo là Đức Phật Thích-ca, năm 1028 trước
công nguyên, cho đến Hòa thượng Quảng-Khâm của Trung Hoa, năm
1986 ; rồi nghĩ thêm rằng do Phật và các vị Tổ Sư xuất thế
mà sau đó bắt đầu có sự miêu họa hình tượng, đến nay
lại được biên tập trên đất Mỹ ; nói về thời gian thì
khoảng cách là 3001 năm, về không gian thì trải dài từ Ấn-độ
qua Trung Hoa đến Mỹ quốc. Vậy thì đây đâu phải là một
“tiểu sự nhân duyên” ? Quả
như lời của Đại sư Tử-Bá nói : “Do đạo ảnh mà biết được
chư tổ, do chư tổ mà lập đạo tràng, do đạo tràng mà biết
được trời đất, do trời đất mà đo lường được hư không,
do hư không mà ngộ dược tự tâm, có thể nói theo giòng nước
mà tìm được nguồn vậy !” Xin chép lại lời này để ghi
nhớ ! Ngày
11 tháng 3 năm 2004 Phật
Kinh Phiên Dịch Ủy Viên Hội Trung
Văn Xuất Bản Bộ Hợp Tự
Bài Tựa Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh Năm
canh-thìn, niên hiệu Quang-Tự, nhà Thanh, phòng kinh Mã-Não ở Tô-Châu ấn hành sách
Phật Tổ Đạo Ảnh, do Đại sư Thủ-Nhất biên sọan bằng cách
kết hợp hai ấn bản Chân-Tịch và Vân-Phúc, in ra đóng thành 4
quyển, gồm 240 ảnh tượng. Theo
trong bài tựa thì lúc đầu Đại sư có tập Tông Môn Chính
Mạch Đạo Ảnh, một ấn bản cũ không còn nguyên vẹn do chùa Vân-Phúc
khắc, rồi mãi về sau mới có thêm bản Chân Tịch. Bản Chân-Tịch
này cũng là do cư sĩ Dương Nhân Sơn nhận được của Tâm-Nguyệt
Thượng Nhân. Tục
Tạng Kinh chép rằng Đại sư Hám-Sơn soạn 88 bài truyện và tán
đề vào ảnh, còn Thiền sư Tử-Bá thì giao việc khắc bản in
cho Đinh Vân Bằng, theo các ảnh tượng lưu trữ tại Ngưu Thủ Sơn
và từ đó bắt nguồn cho việc in đạo ảnh. Đến nay, chẳng riêng
bản in của họ Đinh thất truyền, ngay các bản cũ Vân-Phúc và
Chân-Tịch cũng không phải là dễ kiếm. Cổ-Sơn
xưa có tàng trữ đạo ảnh các liệt Tổ trong thời gian Thiền sư
Vĩnh-Giác trụ tại đây. Từ Phật Thích-ca, Tôn giả Ca-diếp đến
các Tổ về sau, gồm 130 vị, tất cả đều có lời tán, được
in ra vào năm Sùng-Trinh mậu-dần, khi Thiền sư trụ tại chùa Chân-Tịch.
Bản này gọi là bản Chân-Tịch. Hai mươi bốn năm sau, vào năm
Khang-Hy nhâm dần, người nối pháp là Lâm Đại sư có được
nguyên quyển của chùa Khai-Nguyên ở Tuyền-Châu, trong đó chỉ còn
hơn 80 tôn tượng. Đại sư tìm cách bổ sung, được 47 vị và,
khi gom chung với tập của Thiền sư Vĩnh-Giác thì được tất
cả là 122 vị, nhan đề vào, rồi tất cả được cất giữ
trong tàng kinh điện. Tính đến nay đã trên 270 năm qua ! Thời
thế đổi thay, may nhờ thiên long hộ trì nên chỉ có 5 bức hình
bị mất và số còn lại, 117 bức thì không bị tổn hại. Khi
trụ trì Cổ-Sơn, Vân tôi kiếm ra tập sách này, bèn lấy đó làm
tư liệu hiệu đính bàn Tô-Châu, đồng thời 108 tôn tượng cùng
các bài truyện và tán của Đại sư Vĩnh-Giác vẫn được giữ
y nguyên. Ngoài
thời gian thiền tụng Vân tôi lại cố gắng gom góp thêm được
một số ảnh tượng nữa. Các bài truyện, tán nếu còn thì
hầu hết đều được giữ lại, nếu thiếu thì soạn thêm, y
thứ lớp đề vào. Thản hoặc trong bản Tô Châu có chỗ nào sai
lầm vế thế hệ thì phải khảo chứng để đính chánh. Gom
lại được 304 tôn tượng, cho khắc thành bản in để cung dưỡng
rộng rãi, tạo thành nhân thù thắng. Sách in ra nhan đề là Tăng
Đính Phật Tổ Đạo Ảnh, tức là vẫn y theo nguyên bản của Đại
sư Thủ-Nhất, có khác chăng chỉ là tăng bổ thêm mà thôi. Còn
những ảnh tượng các bậc hiền đức sau đời Khang-Hy, Ung-chính,
thì việc thâu thập chưa được trọn vẹn, đòi hỏi nhiều
thời gian và công sức nữa. Công việc này xin để chờ một
dịp khác mai sau. Năm xưa, Thế Tôn nhập diệt, ngài A-Nan kết
tập tại núi Linh Sơn ; chờ Ngài Di Lặc, Tôn giả Ca-diếp giữ
áo nơi Kê-Túc. Nhờ đó mà huệ mạng nối tiếp không ngưng. Vân
tôi sanh ra muộn màng, trông Đạo mà chưa thấy. Than cho thiện căn
ngày càng thưa thớt, Phật pháp lo sợ bị suy vi ; chỉ còn lại
là ảnh tượng giáo pháp, mong lấy đó để sáng soi ; ý muốn
tiếp nối các vị Tử, Hám, Vĩnh, Lâm ghi lại di hình chư Tổ,
đặng có thể đền ơn Phật trong muôn một. Ngày Phật
Đản năm Ất Hợi, Phật lịch năm 2962 (tức năm
1935) Trụ trì chùa Dũng Tuyền Cổ Sơn,
Sa môn Hư Vân đề tựa tại Thánh Tiễn Đường
Lâu
nay, Hư-Vân tôi gom góp ảnh tượng các vị Tổ sư, đồng thời
soạn các bài truyện, tán kèm theo ; đến mùa hè năm ất-hợi
dồn được 69 tôn tượng thời cho nhập vào tập Phật Tổ
Đạo Ảnh do tiền nhân đã soạn từ trước, rồi đem
khắc thành bản mới, lưu hành ở Cổ-Sơn. Thấm
thoát đến nay đã 20 năm, số ảnh gom thêm được 27 vị nữa,
truyện và tán đính theo, bản mới lại khắc thêm để nhập vào
tập cũ, tính tổng cộng số đạo ảnh là 330 vị. Tuy nhiên,
diện mục của chư Tổ không phải đến số đó là chấm dứt.
Năm xưa, Thiền sư Văn-Hỷ hỏi Ngài Văn Thù có bao nhiêu chúng ?
Ngài đáp : “Trước ba ba, sau ba ba”. Nay, Vân tôi đã tăng,
lại tăng nữa, đã tròn ba ba, còn ba ba sau này thì xin chờ các
vị hiền triết tương lai tăng thêm, để cho con số trên tăng hoài
không ngưng nghỉ. Xin ghi lại như vậy ! Ngày
9 tháng 9 năm Ất-Mùi, Phật lịch năm 2982 Hư Vân ghi tại lều cỏ Vân Cư, năm 117 tuổi
Bài
Tựa Tái Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh
Đao
vốn không ảnh, có ảnh chẳng phải đao. Phật Tổ không tướng,
có tướng chẳng phải Phật và Tổ. Chúng sanh chấp trước nên
chẳng ảnh mà thấy ảnh, không tướng mà thấy tướng ; nếu như
có thể ngay tướng đó mà lìa tướng, ngay ảnh đó mà xả
ảnh, thời đây chính là nhân duyên của Tái Tăng Đính Phật
Tổ Đạo Ảnh. Nay
sách lại được gia tăng thêm với các vị đại đức hồi cận
đại, mười vị cao tăng ; nhờ gương đó để “kiến hiền tư
tề” – trông gương bậc thánh hiền mà lo nối chí sánh vai -
ngỏ hầu chẳng rời xa tông chỉ vô ảnh, vô tướng vậy ! Ngày
28 tháng 11 năm 1985 Trường Bạch Sơn Tăng viết tựa tại Vạn Phật Thánh Thành
của
thiền sư Tử-Bá đời Minh
Chuông
chạm không khua thì âm thanh không vang dội, đuốc quý chưa mồi
thì ánh lửa còn ẩn dấu. Bởi vậy, quy y Phật Tổ cũng phải
dựa vào hình tướng, nghi thức. Như tượng đạo còn, thì
truyền bá cho rộng là quý. Nguyện thân rải ra như sao bầy, hình
ảnh hiện khắp mọi nơi. Một tiếng chuông vang, bao người
tỉnh mộng ; lửa đèn phân ra nhiều ngọn, đêm đen ắt thành sáng
tỏ. Ôi
! Có tự tâm tức có hư không; có hư không tức có trời đất;
có trời đất tức có núi sông; có núi sông tức có đạo tràng;
có đạo tràng tức có chư Tổ; có chư Tổ tức có đạo ảnh.
Chính là do đạo ảnh mà biết chư Tổ; do chư Tổ mà có đạo
tràng; do đạo tràng mà biết trời đất; do trời đất mà lường
được hư không; do hư không mà ngộ tự tâm, có thể nói theo dòng
nước mà dò tới nguồn vậy ! Nếu
như thế đó thì rộng lớn như trời đất, phức tạp như muôn
vật, đều là đạo ảnh của chư Tổ cả, há phải cậy đến
ngọn bút của Tăng Diệu, Đạo Huyền rồi mới bảo được đó
là đạo ảnh ư ? Tuy nhiên nếu cái tâm mà hèn kém, chưa đủ
khả năng chạm đường mà biết quán, thì lại cần phải nương
vào hình tướng kỳ diệu. Cho nên, ông A-Nan bạch Phật rằng :
“Con thấy ba mươi hai tướng của Như Lai tốt đẹp vô ngần,
trong sáng rực rỡ như lưu ly, thường tự nghĩ rằng tướng này
chẳng phải do ái dục mà sanh ra. Tại sao vậy ? Bởi dục khí thì
thô, không trong sạch, do các chất tanh hôi họp lại, máu mủ
hỗn tạp, không thể phát sanh ra thứ gì tinh khiết, trong sáng,
ánh vàng tích tụ. Vì lòng khát khao ngưỡng mộ đó nên con đã
cắt tóc xuất gia theo Phật”. Xem như vậy đủ hiểu rằng đến
ông A-Nan, là em của Phật, còn do quán sát, thấy rõ diệu tướng
mà phát tâm, huống chi đối với tâm phàm hèn kém ! Bởi vậy,
đạo ảnh của Phật Tổ chẳng thể chẳng truyền lại ! Chư
Tổ, tuy Ấn, Hoa có khác, nhưng cùng vẻ thiên dung đạo mạo,
rờ rỡ sáng ngời, khiến người chiêm ngưỡng, vơi sạch lòng
trần, thấy tướng liền ngộ tâm. Chỉ trong sớm tối, ngàn năm
cùng quay về với chư Tổ trong đại quang minh tạng. Chẳng có đạo
ảnh thì lấy gì làm nên chuyện đó? Khoảng đời Hồng-Vũ,
một số ham thích đạo, cả tăng và tục, cùng nhau miêu họa đạo
ảnh Phật và Tổ, từ tôn giả Đại Ca Diếp đến các vị tôn
túc cổ sơ trong nước, tính ra là 120 vị, rồi tàng trữ tại núi
Ngưu-Thủ phía nam kinh đô. Nét bút tinh thần, phong độ cao
khiết, nếu chẳng do sự kỳ diệu của tâm tư, cảm ứng đến
chỗ u linh thì dễ gì có được bút pháp như vậy ! Năm
Vạn-Lịch kỷ-sửu, thị giả họ Khai phục vụ bên tôi ở Kim-Đàn.
Nhân quan sát khu vườn Bắc, thấy phía Tây mát mẻ, từ núi đá
có lối đi ra. Tôi bảo : “Đạo ảnh chư Tổ của Ngưu-Thủ sơn, trước đây ở
Tổ đường, trong đống
bụi bặm, lấy ra được sáu bức, như vén mây trăng tỏ , sáng đẹp lồ lộ. Hỏi những bức khác ở đâu thì vị tăng
của chùa cho hay rằng tất cả đều cất giữ ở núi Ngưu-Thủ.
Vụ đó từ 6 năm nay, ta cứ nhớ hoài không quên. Nếu ngươi không
ngại khó nhọc, chịu dầm nắng cất công đi tới, may ra có
thể liệu được chuyện này.” Khai thị giả đáp ứng : “Xin
phụng mạng”. Rồi chống gậy ra đi, quả nhiên kiếm được các
linh tượng. Thái Tể Lục Công (1) khi trông thấy đạo ảnh bèn
thở dài than rằng :”Đương thời rõ nét oai nghiêm, sáng chói cõi
nhân thiên, hiềm vì sau bao năm tháng chồng chất, đã biến thành
tàn tạ như vậy ! Xưa kia, thánh nhân chưa diệt độ, chúng ta do
nghiệp nặng, tội dầy, không có duyên được gần gũi phục
thị, nay đích thân được trông thấy đạo ảnh tất phải hết
lòng tiếp nhận. Chúng ta phải đi kiếm cho được danh họa,
dập theo cho đúng, vẽ thành 10 bộ, chia ra các nơi, để mười
phương cung dưỡng. Đuốc sáng đem phân bố ra thì rộng chiếu
mọi đường u tối, chẳng phải đó là việc lớn sao ?” Khai
thị giả nghe lời đề nghị của Lục Công hợp lẽ, liền
khảng khái đảm nhận. Thái Tể trước tiên lãnh một bộ, cư sĩ
Kim-Sa Thiện-Vân cũng xin sao một bộ, còn lại thì chưa thấy ai
nhận thêm. Thị giả Khai quỳ gối và thỉnh cầu : “Kính xin hòa
thượng soạn bài sớ về nhân duyên này, khiến cho hàng thiện tín
sanh lòng pháp hỷ, cùng phát tâm thù thắng, tạo thành một vụ
hy hữu”. Tôi đáp: “Phải ! Ôi
! Do tâm mà sanh hình, do hình mà sanh ảnh ; nói ngược lại, do
ảnh mà được hình, do hình mà được tâm, do tâm mà đắc đạo.
Nếu vậy thì nhờ một trăm hai mươi tờ giấy, lão tăng này
chẳng tốn một lời mà cũng nhân đó tiết lộ gia phong nhiều
lắm vậy !” Thị giả Khai bèn nhận lo việc tạo thêm đạo
ảnh đặng có thể lưu truyền đi nhiều nơi, vói nguyện ước
bất cứ ai có dịp chiêm ngưỡng, có thể nhân đó mà khai ngộ,
cùng chứng được tự tâm. (1) Chú : Thái Tể Lục Công Quang Tổ, tự là Dữ-Thằng, quê ở Bình-Hồ, đậu tiến sĩ đời Gia-Tĩnh, nhiều lần làm Thượng thư Bộ Lại đời Vạn-Lịch, tên thụy là Trang-Giản, còn có tên hiệu là Ngũ-Đài Cư-Sĩ.
|