 |
Lời Cảnh Tỉnh
Sư Cô Chứng
Nghiêm
Sư Cô Chứng Nghiêm
(Master Cheng Yen) quê quán ở tỉnh Ðài Trung, Ðài
Loan. Năm 23 tuổi cô xuất gia, sống đời thanh
đạm tu hành. Vào thời ấy vì hoàn cảnh khó
khăn, cô đã phải làm nhang, đèn cầy, đậu hủ,
bán để giúp chùa và duy trì sinh hoạt cá nhân.
Thấy sự khổ sở của đồng bào, cô đã phát đại
nguyện hành đạo bồ tát để cứu tế chúng sinh.
Với đại nguyện và tinh thần vì người quên
mình, nhiều nhân duyên bất khả tư nghì đã cảm
ứng, để đến năm 1966, cô thành lập Từ Tế Công
Ðức Hội (Buddhist Compassion Relief Tzu Chi
Foundation). Thế rồi trãi qua hơn ba mươi năm cần
khổ phục vụ, hội đã giúp không biết bao nhiêu
người nghèo khổ bịnh tật và vì vậy hội đã
trở thành một trong những tổ chức từ thiện cung
ứng nhu cầu về y tế, phục vụ, giáo dục, văn hóa
tích cực nhất ở Ðài Loan. Hiện tại Buddhist
Compassion Relief Tzu Chi Foundation đã có chi nhánh
tại Nam Phi, Á Căn Ðình, Bỉ, Hoa Kỳ cũng như
Nhật Bản, Thái Lan... Sư Cô được trao tặng Ramon
Magsaysay Award năm 1991 và cũng đã được đề
nghị lảnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1993.
Những lời khuyên sau đây là lời cô bản thân
kinh nghiệm, nói lại cho chúng ta để đối diện
với hoàn cảnh thực tế mỗi ngày.
(tiếp theo)
PHẦN 14: CÔNG SỞ LÀ ÐẠO
TRÀNG
(Làm đủ thứ việc, đủ thứ
đạo lý)
-
Làm việc tức là tập thể dục, công sở tức
là đạo tràng.
-
Có đủ ba thứ: đức tin, nghị lực và dũng khí
thì không có việc gì trong thiên hạ bạn chẳng làm thành.
-
"Tận nhân sự, thính thiên mệnh" nghĩa là
làm tận sức mình rồi hãy nghe mệnh trời. Không nên trong lòng lúc
nào cũng sợ khó khăn. Con người phải khắc phục khó khăn, không
nên bị khó khăn kềm chế mình.
-
Thành tựu lớn nhất ở đời người là do từ
trong thất bại mà ta đứng lên.
-
Người ta nên có lòng dũng mãnh xăn ống quần
lội xuống bùn (ám chỉ nhảy vào làm việc cực nhọc khó khăn).
Một khi đã ướt nước rồi, mình chẳng nên lo sẽ toát mồ hôi, hay
mưa ướt nữa.
-
Hễ có việc thì có phiền não. Nếu muốn làm
việc gì thì trước phải quyết tâm, tuyệt đối không được sợ
phiền não rắc rối. Nếu không sợ phiền não thì bất kỳ khó khăn
rắc rối nào bạn cũng giải quyết đặng.
-
"Niệm tư tại tư" nghĩa là khi tay làm việc
gì thì tâm chú ý vào việc đó. Khi chân bước đi trên đường
lộ thì tâm chú ý vào bước chân. Khi miệng nói điều gì thì tinh
thần chú ý vào miệng nói.
-
Bất luận là việc gì trong sinh hoạt hằng ngày bạn
phải chú ý đến sự an toàn, đề phòng chuyện bất trắc. Không
nên xem nhẹ rằng gió nhỏ, không nên khinh thường rằng lửa yếu:
Một đóm lửa nhỏ tý có thể đốt rụi cả rừng cây.
-
Người bị người ta chi phối (điều động) là
người có năng lực. Người chi phối (điều động) người khác là
người có tài trí.
-
Ðời người vô thường, do đó khi xã hội cần
đến mình, bạn hãy mau mau đáp ứng. Hôm nay có thể nhấc chân cất
bước thì hãy mau mau tiến bước.
-
Không nên sợ chở nặng. Chỉ cần la bàn phương
hướng đúng đắn thì xe gì đi cũng được. Khi độ người khác thì
tự mình cũng sẽ được độ.
-
Không nên tìm đường tắt, đường hẻm. Nếu bạn
chọn ngõ hẻm đôi khi ngõ hẻm là ngõ bí, không thể thông suốt.
Cuối cùng bạn phải trở lại ngõ chính lúc đầu, đi mất một vòng
xa hơn.
-
Làm người hay làm việc, mình phải giữ lòng tinh
tấn. Tinh nghĩa là không tạp. Tấn nghĩa là không thối
lui. Tinh thì
chuyên tâm nhất niệm. Làm việc gì cũng cần chuyên tâm thì mới
thành. Không có hai niệm tạp nhạp thì mới tiến bộ.
-
Ðời người giống như leo núi: mình phải tìm một
mục tiêu thật tốt. Dùng quảng đời ngắn ngủi của kiếp người
dồn hết về mục tiêu ấy. Không nên giải đãi, lười biếng. Bởi
vì trên sườn dốc, một khi lười biếng thì sẽ tụt xuống
ngay. Cũng
không nên đặt mục tiêu tại quá nhiều đỉnh núi. Bởi vì núi này
cao còn có núi khác cao hơn. Nếu cứ trèo xong núi này, lại tụt
xuống leo núi khác thì kết quả tốn công mệt sức. Mình phải chọn
đỉnh núi tốt nhất, thích ứng với mình nhất rồi dũng mãnh tiến
tới. Ngày này tháng nọ, cuối cùng mình sẽ thành tựu kết quả to
lớn.
-
Người đời nay, thế trí biện thông
(thông minh,
hiểu rộng), miệng nói hay ho, nhưng khi làm việc thì chuyện gì cũng
tính toán hơn thiệt (ích kỷ). Ða số người ta chỉ hiểu lý thuyết,
không biết thật sự. Họ biết chữ nghĩa nhiếu lắm song khi đụng
phải người, gặp phải việc thì không thể điều giải dung hợp. Ðó
chính là tâm phàm phu.
-
Sự cải biến ở xã hội không phải do hò hét
mà thành. Do làm mà có.
-
Những kẻ hò hét, nói về chính nghĩa có bao
nhiêu kẻ dám hy sinh?
-
Thế nào là chân lý? Khi lý và sự hợp nhất,
sự và lý tương dung thì đó là chân lý.
-
Sự (sự việc) không thể tách rời lý
(nguyên
lý, quy tắc, đạo lý). Phải đặt lý ở trung tâm , còn sự thì
vây quanh. Dùng lý để chuyển sự. Không phải dùng sự để sửa
đổi lý.
-
Ở giữa lý và sự, trung gian cần có người. Khi
lý viên mãn, sự viên mãn thì người viên mãn.
-
Gạo trong thiên hạ: một người không sao ăn cho
hết. Công việc trong thiên hạ: một người làm không xuể. Cũng
vậy: Một người chẳng sao lập được công cho cả thiên hạ.
-
Làm việc gì cũng phải giữ vững nguyên lý.
Không nên cứ chìu lòng, thuận theo người ta đi ăn uống
(xã giao).
Cứ thường chìu lòng như vậy, thì chẳng những bạn không độ
được người ta mà mình còn bị kéo xuống đường xấu.
-
Nếu không thể gây ảnh hưởng tốt tới người
khác, tốt nhất hãy làm chuyện bổn phận của mình. Ngay cả Phật còn
tại thế, có ba việc Ngài làm không được: 1/ Không thể chuyển
được định nghiệp của chúng
sinh. 2/ Không thể độ chúng sinh nào
mình chẳng có duyên. 3/ Không thể độ hết nghiệp của chúng
sinh.
(còn tiếp)

Trở về
trang nhà | Về đầu trang
|