|
Hoa Nghiêm: Thế nào là ma
nghiệp?
Hoa Nghiêm: Thế nào là ma
nghiệp?
Ma nghiệp là những hành
vi, tập quán, lời nói, suy nghĩ hay thái độ
chướng ngại sự khai phát chân tánh, phát triển
trí huệ và sự giải thoát Niết Bàn. Ma nghiệp
cũng có nghĩa là nghiệp khiến ta làm ma hay quyến
thuộc của ma; vì thế ma nghiệp cũng tức là
nghiệp của loài ma. Khi tu hành, ta phải hiểu rõ
những nghiệp ấy để tránh, đừng tạo nghiệp. Ma
nghiệp tuy vô vàn, song Kinh Hoa Nghiêm tóm tắt
chúng trong mười phạm vi như sau:
1. Vong thất Bồ Ðề
Tâm, tu chư thiện pháp, thị vi ma nghiệp.
(Quên mất tâm bồ đề
khi tu pháp lành: đó là ma nghiệp).
Tâm Bồ Ðề là tâm giác
ngộ, tâm hướng về giác ngộ và cứu độ chúng
sinh. Quên mất tâm Bồ Ðề là quên mất phương
hướng tu hành; quên mất bản thể đường tu; quên
rằng tu để ngộ thể tánh bất sinh bất diệt sẳn
có trong tự tâm mình. Bởi vậy cho nên lòng
hướng ngoại truy cầu; quên rằng tu không phải
để thành đạt bất kỳ thứ gì ngoài tâm. Vì thế
quên gốc bồ đề tự tánh nên người tu phóng tâm
truy đuổi những thành tựu bên ngoài ( như phước
đức, quả báo, thiền định, thần thông, biện
tài...). Chẳng phát triển tâm bồ đề, đủ pháp
lành, chỉ gặt phước báo, song không thành chánh
giác đặng. Ðó chính là ma đạo.
2. Ác tâm bố thí, sân
tâm trì giới, xả ác tánh nhân, viễn giải đãi
nhân, khinh mạn loạn ý, cơ hiềm ác huệ, thị vi
ma nghiệp.
(Bố thí với lòng ác
ý, trì giới với lòng sân hận, bỏ rơi kẻ có
tánh xấu, xa rời người hay lười biếng, khinh khi
kẻ tâm tán loạn, hiềm ghét người có ác kiến).
Ðây là dạy ta thái độ
đúng đắn khi tu lục ba la mật. Cốt yếu là giữ
tâm trung đạo, giữ trạng thái quân bằng về tâm
lý cũng như thể xác. Hễ khi ta cống cao ngã mạn,
ích kỷ nhỏ nhen, lòng thiếu từ bi bao dung thì sự
quân bằng, trung đạo sẽ bị phá tan.
a. Ác tâm bố thí:
Bố thí cốt để bỏ
tánh bỏn xẻn, trừ chấp ngã, phá tham trước
đồ sở hữu. Khi Bố thí ta cần thành tâm, vui
lòng, chân chính quên mình vì người, chẳng
hối hận, tiếc rẽ gì cả. Ðó là chính đạo.
Thí nhưng có tâm mong cầu tính toán: vì muốn
đổi chác, "mình cho họ cái này, sau này
họ giúp mình chuyện kia"; vì muốn quả
báo, "bố thí sẽ đặng giàu sang"
đều là tà. Bố thí vì có ác ý làm người
nhận tức giận hay đau khổ thì tức là ma
nghiệp. Hoặc giả bố thí với thái độ khinh
khi, khó chịu, dằn vặt người nhận cũng là ma
nghiệp. Ví như, biết người ta không thích
không ưa đồ gì, song cứ bố thí cho họ đồ
ấy để chọc giận họ: đó cũng là ma nghiệp.
Tóm lại: nếu động cơ, thái độ và mục
đích của ta là ích kỷ, nhỏ nhen, ác độc
thì thay vì tạo công đức, mình chỉ gây tội
nghiệp, lạc đường ma.
b. Sân tâm trì giới:
Phật dạy ta trì giới
để tam nghiệp thanh tịnh, không làm ác. Gốc
của giới là thanh tịnh vô nhiễm. Kinh Lăng
Nghiêm gọi trì giới tức là nhiếp tâm: thu
nhiếp tâm, chẳng để tâm phóng dật buông
lung. Trì giới mà khởi lòng giận dữ thì tâm
chẳng thanh tịnh. Dùng lòng tức giận ghen
tuông oán thù để trì giới thì càng sai lầm.
Luận Ðại Trí Ðộ thuật lại chuyện vị Sa di
đắm nhiễm nhan sắc các cô Long nữ. Sa di khởi
lòng muốn chiếm đoạt các Long nữ, nên sinh
ghen ghét với Long vương. Về lại chùa Sa di
quyết chí tinh tấn trì giới tu thiền. Chẳng
bao lâu hoạch thần thông, biết quả báo đã
tới, xuống Long cung, giết Long vương, đoạt
ngai vàng, chiếm Long nữ. Ðây là ví dụ về
động cơ trì giới tu hành vừa tham lam vừa
sân hận. Hòa Thượng Tuyên Hóa thường dạy
rằng khi tu đạo, ta chớ khởi lòng hiếu thắng,
tranh giành "bậc nhất, giỏi nhất."
Ðừng cạnh tranh, ganh đua với sự tu hành của
kẽ khác. Nói tóm: động cơ và thái độ khi
trì giới phải hoàn toàn chẳng có lòng sân
hận, ghen ghét.
c. Xả ác tánh nhân:
Ðây nói về hạnh nhẫn
nhục. Khi bị hủy báng, xỉ vả, ngược đãi mà
nội tâm tức giận, song ngoài mặt phớt tỉnh,
thì đó chưa phải là nhẫn nhục ba la mật.
Nhẫn nhục là hạnh chấp nhận vô điều kiện ở
nội tâm, mặc cho chuyện gì bên ngoài xảy
tới, mà lòng chẳng hề sinh phiền não, phản
kháng, tức giận. Nếu hoàn cảnh khiến ta phải
giao thiệp tiếp xúc với kẻ ác, tánh nết xấu
xa, mình phải tu nhẫn. Hãy học hỏi phương
tiện thiện xão để giúp mình tu hạnh từ bi
nhẫn nại.
Nhẫn một chút,
gió im sóng lặng
Lùi một bước, biển rộng trời trong
Ðối với bậc thầy hay
kẻ đã an trụ trong lý đạo, nếu bạn không
dạy dỗ cảm hóa kẻ xấu ác thì ai dạy dỗ cảm
hóa họ? Bởi vậy đã là kẻ hiểu đạo, bạn
càng phải phát đại nguyện để cảm hóa kẻ
xấu ác. Cảm hóa họ là đường Bồ tát, xả
bỏ hất hủi họ là đường ma tà.
d. Viễn giải đãi nhân:
Ðây là nói về hạnh
tinh tấn. Thông thường mình hay nghĩ:
"Ðường ai nấy đi; Ai tu nấy hưởng,"
Song tu hạnh Bồ tát, là phải làm sao cho kẻ
khác cùng tu như mình. Mình tu tinh tấn để
làm gương cho kẻ khác, cổ võ kẻ khác cùng
tu. Ðừng nên kiêu ngạo, tự đại khi tinh tấn
tu hành, cho rằng mình tu hay hơn người. Nên
sinh tâm từ bi bình đẳng, đừng chê bai bỏ
rơi kẻ lười biếng, và tìm cách giúp họ tinh
tấn. Bạn hãy suy nghĩ, xét nghiệm lại động
cơ làm cho mình tinh tấn tu đạo: Phải chăng
bạn muốn thành đạt cái gì? Phải chăng bạn
có sở cầu? Phải chăng xưa nay bạn chỉ biết
đến sự tu hành của cá nhân mình. Hãy sửa
đổi động cơ sai lầm, mở rộng quan niệm tu
hành: Tu là tu với chúng sinh, chẳng phải tu
chỉ riêng mình.
e. Khinh mạn loạn ý:
Ðây nói về thiền
định. Bịnh thông thường của kẻ mới tập
thiền, đắc được chút cảnh giới là cho mình
đặc biệt khác người. Tu đắc đến cảnh giới
cao siêu, trụ thiền nhập định, chứng thần
thông gì đi nữa, hễ hành giả khởi một ý
niệm nhỏ như đầu lông rằng: ta đắc, ta
chứng, ta hay, ta giỏi, hành giả lập tức lạc
vào đường tà. Tu thì phải vô ngã, không
còn cái ta. Sinh tâm khi dễ, chê bai, dù là
một ý niệm. Cho rằng "ta tu giỏi, bọn họ
tu kém"- ý niệm so sánh nhân ngã- thì
mình đi vào đường ngã mạn, bạn bè với ma
vương. Do đó phải tập tu thái độ bình
đẳng khiêm nhường, đừng cho mình là đặc
biệt. Ðừng xem thường kẻ chưa tu, không tu
hay kẻ tán loạn. Thử hỏi mình đã làm gì
để giúp họ.
f. Cơ hiềm ác huệ:
Ðây là nói về hạnh
bát nhã. Kẻ ác huệ là kẻ có tà kiến điên
đảo, hủy báng Tam bảo, không tin nhân quả.
Không biết lấy tâm phục thiện, ngoan cố chấp
trước vào kiến giải, học thức của mình.
Ðối với những người có tà kiến như vậy,
đức Phật dạy ta đừng đấu lý với họ, đừng
tranh chấp hơn thua với họ. Cũng chớ sinh thù
oán, hiềm khích. Trí bát nhã thì an trú nơi
cõi lòng trong suốt, tỏ lý và biểu hiện nơi
đạo đức vị tha. Trí Bát Nhã không hiện hữu
nơi ngôn từ tranh chấp, nơi lời lẽ thị phi
tranh đấu, hay nơi lý luận xa vời. Tu trí bát
nhã là tu tinh thần vô ngại: thẩm thấu chân
lý, xuyên suốt mọi kiến giải. Do đó sẳn
lòng bao dung mọi lý lẽ, mọi kẻ dị kiến hay
ác kiến. Nếu chẳng đạt vô ngại thì lúc nào
cũng cho mình đúng, họ sai; mình chính, họ
tà; mình tốt, họ xấu. Vĩnh viễn tranh chấp.
Nên kinh dạy: đừng hiềm ghét kẻ ác kiến.
3. Ư thậm thâm pháp
tâm sinh xan lẫn, hữu kham hóa giải nhi bất vì
thuyết. Nhược đắc tài lợi cung kính cúng
dường, tuy phi pháp khí nhi cưỡng vì thuyết. Thị
vi ma nghiệp.
(Nếu bạn sinh lòng bỏn
xẻn đối với pháp thâm sâu, Không chịu thuyết
cho kẻ có khả năng thọ nhận; Lại miễn cưỡng
thuyết cho kẻ cúng dường tài lợi cho bạn dù họ
không phải là kẻ pháp khí: Ðó là nghiệp ma).
Ðây là nói tới thái độ
ích kỷ tự lợi khi thuyết pháp. Thuyết pháp độ
sinh thì phải vô tư, không thiên vị. Ai đáng
được dạy thì dạy, ai đáng độ thì độ. Ðó
gọi là đối cơ. Kẻ chưa đủ nhân duyên, chưa
có khả năng lảnh hội mà ta cưỡng thuyết, e
chẳng làm lợi cho họ. Nếu ta sinh tâm tham lam ích
kỷ chỉ dạy pháp cho kẻ cúng dường thì há chẳng
phải mình đem Phật pháp trao đổi như một món
hàng? Pháp là chân lý tồn tại trong mọi thời ở
trong tâm mọi chúng sinh. Pháp không phải là vật,
là món hàng mình có thể sở hữu. Nhiệm vụ vị
Pháp sư là chỉ điểm chân lý sẳn có ấy. Hễ ta
sinh lòng bỏn xẻn, sinh tâm đổi chác thì sai
lầm. Không xem pháp là chân lý cộng hữu, và
mình là phương tiện truyền đạt vô tư thì sớm
muộn gì cũng rơi vào ma đạo.
(còn tiếp)

Trở về
trang nhà
|