Sơ Lược
về Phật Giáo
Ban Giảng Huấn
Trường Trung Học Bồi Ðức, Vạn Phật Thành
(tiếp theo)
Chương Ba
CON
ÐƯỜNG CHẤM DỨT KHỔ ÐAU: HÀNH PHÁP
Nguyện thứ ba trong Tứ
Hoằng Thệ Nguyện của Bồ Tát: Pháp môn vô lượng
thệ nguyện học.
Tự tại dùng pháp
môn vô lượng
Ðiều phục chúng sanh trong mười phương
Thoát vòng khổ đau khôn kể xiết
Bồ tát vô chấp, vô phân biệt.
(Kinh
Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm)
Nguyện thứ ba tương ưng
với Diệt Ðế: Con đường dẫn đến sự diệt khổ.
Này các tỳ kheo!
Diệu Ðế, con đường dẫn đến sự diệt khổ
là gì? Con đường ấy chỉ là Bát Chánh Ðạo:
Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh
niệm, và chánh định. Con đường ấy phải
được hành trì.
(Pháp môn hay là phương pháp hành trì của
Bồ Tát là Lục Ðộ: bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ.)
(Kinh
Chuyển Pháp Luân)
Từ ngữ "Pháp" có
nghĩa là giáo lý Ðức Phật dạy. Như đã nói
trước, Pháp đúng theo nguyên văn chỉ những luật
lệ hay chân lý chi phối thực tại. Trong Phật
giáo, Pháp liên quan đến những phương pháp hành
trì mà Phật đã từ bi đặt ra để dẫn dắt chúng
sanh ra khỏi rừng rậm vô minh của họ để thấy
được ánh sáng của thật tánh. Pháp cung ứng một
sự phân tách thâm sâu vấn đề khổ đau, đồng
thời cung ứng vừa một kiến giải siêu việt khổ
đau (giác ngộ), vừa một số những phương pháp
mà chúng ta thực sự cần để thực hiện giác ngộ.
Nói một cách đơn giản,
Pháp là:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Dịch là:
Tránh
các điều dữ
Làm những việc lành
Thanh tịnh tâm ý
Ðó là lời chư Phật dạy.
(Kinh Pháp Cú)
Pháp hành quan yếu gồm có
giới, định, và huệ.
Do giới sanh định,
do định sanh huệ.
(Kinh
Lăng Nghiêm)
GIỚI:
Không có một căn bản
vững vàng về đạo đức thì không thể phát triển
công phu thiền tập và đắc định để phát huệ.
Phật đã chế ra ngũ giới như là những đức tính
căn bản cho đời sống con người. Ngũ giới, tinh
hoa của việc tu tâm, gồm có:
-
Không giết hại: Chúng
ta không được cố ý giết hại bất cứ sinh
vật nào bằng cách tự mình giết, bảo
người giết, tham gia việc giết hay ưng
thuận việc giết. Người tu có thể tránh
sự giết gián tiếp bằng cách chỉ ăn những
thức ăn chay. Lòng từ bi, sự kính trọng
sự sống, và suy nghĩ rằng mình là một
với tất cả sinh vật là những lý do giữ
giới này.
-
Không trộm cắp: Ta
không được lấy bất cứ cái gì không cho
ta và không phải là của ta. Giới này
không những được áp dụng cho những vật
đắt tiền như vàng bạc, mà ngay cả đến
những vật nhỏ như cây kim ngọn cỏ. Giới
này được giải thích như là sống một
cách cần kiệm và không phung phí tài
nguyên.
-
Không tà dâm: Có quan
hệ xác thịt với bất cứ ai không phải là
vợ của mình đều gọi là tà dâm. Tà dâm
hay loạn dâm tỉ như đồng tình luyến ái,
dâm dật với súc vật, là những nhân dẫn
đến sự tái sinh trong những cảnh giới khổ
đau.
-
Không nói dối: Có
bốn loại vọng ngữ: nói dối, nói lời vô
bổ (như bàn chuyện thị phi, nói lời chọc
tức), nói lời độc ác (như mắng nhiếc
thậm tệ người khác), và nói lưỡi đôi
chiều (để gây chia rẽ nơi người khác).
-
Không uống rượu và
dùng các chất say. Rượu, ma túy, chất
kích thích và ngay cả thuốc lá đều
được coi là những chất say. Những thứ
này làm hại thân thể, làm cho tâm u mê
điên đảo, và là nhân của sự tái sanh
như là những người đần độn.
Bây giờ ta sẽ mô
tả các quy tắc về giới hạnh mà một người
tại gia cần phải theo nếu người này muốn trở
thành một đệ tử tốt. Tuy nhiên, cần biết
rằng muốn làm tròn bổn phận của một tỳ kheo,
người xuất gia không nên có phong thái như
một người tại gia.
Người này không
được giết hại, bảo người khác giết, hay
ưng thuận sự giết. Người này phải tự chế,
không được áp bức tất cả sinh vật trên thế
gian, dù mạnh, dù yếu.
Vì đệ tử biết
rằng vật ấy thuộc về kẻ khác, người này
tránh việc trộm cắp dù ở đâu. Người này
không được trộm cắp, hay bảo người khác
trộm cắp. Tất cả sự trộm cắp đều phải
tránh.
Kẻ khôn ngoan phải
tránh sự gian dâm như là tránh một hố lửa
đang cháy. Nếu người ấy không thể sống độc
thân, thì y không được mơ tưởng đến vợ
người khác.
Tại một chỗ đông
người hay tại một nơi công cộng, người này
không được nói dối với người khác. Người
này không được bảo người khác nói dối hay
ưng thuận sự nói dối.
Biết rằng những
chất say làm cho mình mất khả năng tự chế,
người tại gia thích tự chế không dùng chất
say, không được bảo người khác dùng, hay
ưng thuận việc người khác dùng chất say.
(Kinh
Dammika)
Giới là nền tảng
của sự giác ngộ.
(Phẩm
Bồ Tát Vấn Minh Kinh Hoa Nghiêm)
Sự tự trọng (nhất là sự
trân quý cái tự tánh của mình) và sự tôn trọng
kẻ khác là gốc của giới luật Phật giáo. Hai
đức tính này được phát triển từ mối quan hệ
căn bản đầu tiên của con người: đó là quan hệ
giữa cha mẹ và con cái. Ðức từ bi, quảng đại
và tha thứ cũng như sự tự trọng được nảy mầm
và vun xén từ mối tương quan này. Vì vậy, trong
Kinh Phạm Võng, Ðức Phật đã dạy:
Hiếu thuận là một
pháp của đạo tối thượng. Hiếu thuận cũng
được hiểu như là giới luật. Ðức này cũng
được gọi là giá giới.
Ðạo căn bản làm
người là tôn kính cha mẹ. Phật cho rằng hiếu
đạo là một đức tính tối thiết cho đời
sống đạo đức.
Này các tỳ kheo! Có
hai người mà các thầy không bao giờ báo đền
đủ ân đức: Ðó là cha và mẹ của các thầy.
Dầu cho các thầy có mang cha mẹ lên vai, mẹ
trên vai này và cha trên vai kia trong suốt một
trăm năm, và trong lúc ấy cha mẹ phóng uế
trên vai các thầy; rồi các thầy phải rửa
ráy, xoa dầu, tắm rửa, rồi xoa bóp cho cha mẹ,
ngần ấy công việc cũng vẫn chưa đủ để báo
đáp.
Ví thử các thầy có
thể tôn cha mẹ lên ngôi vị tột đỉnh làm
thế chủ trên quả đất này, làm cho các vị
có đủ thất bảo (vàng, bạc, lưu ly, pha lê,
xích châu, xà cừ, mã não), từng ấy cũng
chưa đủ để đền đáp ơn sâu của cha mẹ
các thầy. Tại sao vậy? Này các tỳ kheo! Cha
mẹ cúc cung tận tụy cho các con. Các vị nuôi
dưỡng, và dìu dắt con cái trên thế gian này.
(Kinh
Tăng Nhất A Hàm)
Và trong đoạn dưới đây
của Kinh Phụ Mẫu Trọng Ân Nan Báo, Phật đã mô
tả một cách vô cùng cảm động những điều cha
mẹ làm cho con cái:
Trong mười tháng
(âm lịch) mẹ mang thai, mỗi lần đứng dậy, mẹ
cảm thấy khó chịu tựa như phải mang một vật
nặng. Như một người tàn tật kinh niên, mẹ
nuốt miếng cơm, uống ngụm nước không vô. Khi
mười tháng qua đi và thời kỳ sinh nở tới,
mẹ chịu nhiều đau đớn để cho con được sinh
nở vuông tròn. Trong lúc lâm bồn, mẹ sợ mình
chết đi không sinh con được tựa như một con
lợn hay một con cừu đang chờ chết tại nhà tế
sinh. Rồi thì máu tuôn ra đầy mặt đất...Ðó
là những đau đớn mà mẹ chịu.
Khi bé đã sinh, mẹ
dành ngọt bùi cho con và nuốt những đắng cay.
Mẹ bồng con, cho con bú, giặt rửa những cái
dơ bẩn của con. Vì con, không có khó khăn
nào, không có nặng nhọc nào mà mẹ từ nan.
Mẹ chịu lạnh buốt xương, nóng cháy thịt mà
chẳng hề than vãn. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo
con lăn. Trong ba năm dài, mẹ nuôi con bằng
sữa mẹ, từ trong máu mẹ mà ra.
Cha mẹ tận tâm giáo
dục và dìu dắt con cái trên đường lễ nghĩa
đạo đức từ khi con còn thơ cho đến lúc
trưởng thành. Rồi thì cha mẹ lo cưới hỏi cho
con, từ mẫn ban cho những đồ vật quý giá
nhất cũng như những lời khuyên để con tạo
cho mình một cuộc sống sung túc. Tất cả những
công lao này được làm cho con với nhiệt tình
thương mến mà không bao giờ cần kể ơn.
Khi con bị đau ốm,
cha mẹ lo lắng và sợ hãi như chính mình đau
ốm. Săn sóc con bên giường bệnh không rời
một phút giây, cha mẹ chỉ yên lòng và nụ
cười chỉ nở lại trên môi khi con lành mạnh.
Như thế đó, cha mẹ trân quý và nuôi nấng
con thơ với hy vọng rằng con sẽ khôn lớn và
trở thành những người hữu dụng.
Ðọc xong đoạn văn trên,
có lẽ chúng ta bắt đầu nhận thức được công
ơn thâm trọng của cha mẹ mà ta phải báo đền.
Cũng trong Kinh nói trên, Phật đã gợi ý vài
điều cho chúng ta đền đáp ơn cha nghĩa mẹ:
Này các người con
Phật! Nếu các người muốn báo đáp ơn cha
mẹ, hãy nhân danh cha mẹ mà chép lại kinh
này! Hãy nhân danh cha mẹ mà tụng đọc kinh
này! Hãy vì cha mẹ mà cúng dường Tam Bảo
(Phật, Pháp, Tăng). Hãy vì cha mẹ mà trì
giới tịnh thực (ăn chay). Hãy vì cha mẹ mà
hành pháp bố thí và tu phước đức. Nếu các
ngươi có thể làm những điều này, các
ngươi là những người con hiếu thảo.
Trong Kinh Sigalaka Sutra,
Phật dạy cư sĩ Sigalaka làm thế nào để sống
thiện lương và hạnh phúc. Phật đã tóm lược
những bổn phận và trách nhiệm mà con phải làm
để đền đáp công ơn cha mẹ, ơn thầy, ơn bạn,
ơn vợ chồng, ơn những người lao tác, và ơn
những nhà tu hành. Ðoạn dưới đây la lời dạy
về bạn tốt và cách quản lý tài sản cá nhân.
Ðây là một người
bạn hay giúp đỡ mình, kia là một người bạn
khi nghèo hèn cũng như lúc giàu sang, này là
một người bạn chỉ con đường chính, nọ là
một người bạn tình thân thắm thiết: một kẻ
khôn ngoan biết rõ giá trị của bốn loại bạn
trên và trân quý họ như một người mẹ trân
quý đứa con thương yêu nhất.
Người trí được
giáo dục và kỷ luật rèn đúc thì người ấy
sáng ngời như một ngọn hải đăng; ông ta vì
cần mẫn lương thiện mà làm giàu như ong lấy
mật hay kiến xây tổ. Với của cải mồ hôi
nước mắt, ông ta làm lợi cho người. Người
ta nên chia của cải mình làm ra thành bốn
phần: Một phần có thể xử dụng để hưởng
thụ theo cách mình muốn. Hai phần có thể dùng
để đầu tư và một phần dành ra như là dự
trữ cho những lúc cần thiết.
Ðối với một cư sĩ, một
tỳ kheo hay một tỳ kheo ni, giới là nền móng
thiết yếu cho mọi sự hiểu biết và kinh nghiệm
tâm linh chân thật. Mặc dầu các giới điều khác
nhau giữa những người xuất gia và cư sĩ, giữa
nam và nữ tu sĩ, mục đích cần đạt và tinh thần
cần vun bồi đều giống nhau: Ðó là sự nuôi
dưỡng những đức tính khiến cho định lực nẩy
nở và trí huệ phát huy.
(còn tiếp)
***

Trở về
trang nhà | Về đầu trang
|