 |
Phương Pháp Tu Tập Ðể
Tâm Ý Ðược
Nhu Hòa và Nhẫn Nại
Người tu càng chuyên chú
vào đạo thì đạo hạnh mỗi ngày một sáng chói.
Tâm càng hướng nội phản chiếu thì tánh càng
ngày càng hóa. Do đó tu đạo mà thiếu công phu
hàm dưỡng thì khó giữ đạo, tánh định, phát
huệ. Cốt tủy của sự dưỡng đạo ấy nằm ở nơi
chữ thăng bằng, nhu nhẫn. Theo Kinh Hoa Nghiêm, có
mười thái độ mà chư Bồ tát thường hun đúc,
hàm dưỡng để tâm ý thăng bằng, lòng trở nên
nhu hoà, nhẫn nại. Ðó là:
-
Không xả tâm
bồ đề: Tâm chí lúc nào cũng
hướng về đạo, chẳng vướng vào đời. Dù
ở trong đời, cũng không chạy theo danh,
lợi, quyền, thế, hưởng thụ. Do đó đạo
phong tự nhiên cao thượng, tự tại.
-
Xa rời thái độ và
quan niệm nhỏ hẹp, hạn chế của hàng nhị
thừa: tức là thái độ tu giải thoát
cho chính mình, không lập đại nguyện,
không thấy đường tu là vô tận và không
thấy nhiệm vụ của mình đối với chúng
sinh. Khi có quan niệm nhỏ hẹp hạn chế,
người tu sẽ dễ tự gò bó, tự áp lực, tự
đóng khung, rồi sinh ra phiền não, rối
nhiễu thân tâm.
-
Thường quan sát
để làm ích cho chúng sinh: Chuyện gì
cũng nghĩ tới chúng sinh trước. Phải sẳn
sàng tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác,
phải nghĩ đến lợi ích kẻ khác trước khi
nghĩ đến mình. Ý nghĩ tha thứ là căn
bản làm tâm nhu nhuyến, hòa dịu.
-
Thường làm chúng
sinh an trụ nơi Phật pháp: Tức là làm
cho họ hiểu được chân lý đạo Phật hiển
hiện trong đời sống hằng ngày. Khi thiếu
chân lý sâu sắc để chỉ đạo và hiển
bày thực chất của cuộc sống, mình sẽ khó
đạt tới điểm thăng bằng trong tâm linh.
-
Thường tu những
hạnh mà chư Bồ Tát làm: Tức là
thường suy nghĩ xem giả sử chư Bồ Tát
đối diện với những khó khăn tương tự
như mình gặp, thì các ngài sẽ nghĩ gì
và làm gì để khắc phục nó? Các ngài
làm sao tu lục độ trong đời sống hằng
ngày? Do suy nghĩ theo chư thánh hiền mình
sẽ vượt ra ngoài những cảnh giới điên
đảo bế tắc do suy nghĩ, tà kiến và phiền
não của mình tạo ra. Nhờ vậy, lòng sẽ
trở nên nhu hòa, sáng suốt.
-
Không có thái độ
sở đắc đối với việc tu hành cũng như
đối với mọi chuyện trên đời: tức là
không nghĩ rằng mình tu hành thì phải
đạt tới cái gì, đắc cái gì. Do đó
không tự tạo áp lực với chính mình. Tâm
sẽ thư thái tự tại tu hành, và nhờ đó
trở nên nhu hoà, cân bằng.
-
Khi có công đức
hay căn lành gì thì mình đều hồi hướng
cho chúng sinh hết.
-
Không chấp trước
vào bất kỳ thân tướng nào của chư Phật
cả: Làm tất cả những công hạnh như
lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, thừa
sự cúng dường, song mình không cầu cạnh,
chấp trước vào thân tướng của Phật.
Càng bớt chấp trước thì tâm càng bớt
mong cầu; ít cầu thì thêm tự tại.
-
Thường tư duy về
mọi pháp, mọi sự để xa rời mọi sự thủ
trước chấp chặt: Tư duy là nhìn theo
chân lý, nghĩ theo lời Phật dạy. Có chân
lý chiếu soi thì mình mới thấy suốt chân
tướng vạn sự; có thấy suốt thì mới hết
chấp trước đặng.
-
Thường giữ gìn
các giới luật: như ngũ giới, thập
giới, bồ tát giới. Hễ phá giới thì tu gì
cũng vô hiệu quả. Giữ giới và tu đức từ
bi là hai việc làm không thể tách rời
đặng. Do vậy, người tại gia, mới phát
tâm học Phật, cần thiết nhất phải ăn chay
để thể hiện lòng từ bi. Không trường
chay nhưng mong đắc định, đắc đạo, hay
vãng sinh Cực Lạc là chuyện tuyệt đối
không thể có.
Kinh Bảo Vân và Kinh Vô
Lượng Thọ cũng dạy về những cách nhu nhẫn như
sau:
-
Nội nhẫn:
Khi gặp những thứ làm đau đớn thân xác
hay bức bách tâm trí thì mình không sinh
phiền não, bực bội.
-
Ngoại nhẫn:
Khi đối diện với những hoàn cảnh khổ não
bên ngoài, mình không sinh lòng sân nhuế
giận dữ.
-
Pháp nhẫn:
Khi nghe nói tới kinh điển sâu xa vi diệu,
lòng không sợ hãi, mà lại tinh tấn siêng
năng đọc tụng chúng.
-
Tùy Phật giáo
nhẫn: Khi tâm vừa móng khởi
mảy lòng giận dữ hay phiền não thì lập
tức tư duy suy nghĩ rằng: Thân ta do đâu
mà an trụ? Mọi sự (pháp tướng) do đâu
mà khởi dậy? Quan sát như vậy sẽ chẳng
thấy gốc của lòng sân hận, chẳng thấy nó
từ đâu sinh ra, duyên khởi nên có, do đó
chấm dứt lòng giận dữ thịnh nộ.
-
Vô phương sở
nhẫn: Ở mọi thời điểm,
mọi nơi chốn, lúc nào cũng giữ tâm thái
thăng bằng, hàm dưỡng một sự mềm mại nhu
hòa.
-
Tu xứ xứ nhẫn:
Hay còn gọi là bình đẳng nhẫn; tức là
chẳng cần biết thân hay sơ, cao hay thấp,
bạn hay thù, ai ai mình cũng đem lòng bình
đẳng mà nhẫn thọ mọi chuyện.
-
Phi sở vi nhẫn:
Nghĩa là lòng nhẫn nại chẳng phải do một
nhân duyên nào đó sinh ra, cũng chẳng vì
lý do sợ sệt, hay vì lý do muốn thi ân,
hay muốn thuận theo tình hình, hay vì hổ
thẹn. Tức là cách tu tập sự nhẫn nại
chẳng phải vì do một áp lực nào bên
ngoài thúc đẩy.
-
Bất bức não
nhẫn: Hay còn gọi là vô nhuế
nhẫn, tức là khi gặp nghịch cảnh phải
chịu khuất, chịu nhục, mình vẫn nhẫn thọ
đặng.
-
Bi tâm nhẫn:
Khi bị chúng sinh hủy nhục, chửi bới, làm
xúc phạm triền nhiễu, nhưng lòng mình vẫn
không tức giận. Ngược lại mình cần khởi
lòng từ bi, thương xót, phát nguyện độ
họ.
-
Thệ nguyện nhẫn:
Hay thành tựu thệ nguyện nhẫn; chư Bồ tát
nhớ lại rằng: khi xưa mới tu mình từng
phát nguyện cứu độ chúng sinh; ngày nay
nếu mình sinh lòng tức giận não hại chúng
sinh thì chẳng những không thể độ chính
mình, mà lại chẳng đem lợi ích gì cho
chúng sinh. Bồ tát tư duy như vậy nên
không khởi lòng sân nhuế mà cam thọ nhẫn
nhịn.
Bồ Ðề Hải

Trở về
trang nhà | Về đầu trang
|