|
Vietnamese|English
Cẩm
Nang Tu Ðạo
Hòa
Thượng Quảng Khâm

Hòa Thượng
Quảng Khâm
Chương
VI: Hạnh Xuất Gia
C. Thăm Viếng Học Hỏi
Ở Ðài-loan không có chỗ nào để thăm viếng học
hỏi, nên bạn hãy tự mình nghiên cứu chính mình là đủ.
Ðừng nên bồn chồn, bứt rứt, nóng nảy.
Thiện-tri-thức ở đâu? Ở lòng mình!
Khi lúa chín, đầu bông lúa nặng trĩu nên cong oằn
xuống; khi lúa chưa chín thì đầu ngọn đứng thẳng vút.
(Kẻ hiểu Ðạo, tu hành thành thục, thì hạ thấp mình
xuống; còn kẻ mới tu Ðạo thì lúc nào cũng tự cao, không
biết uốn mình.) Ðối với người tu không tốt, bạn cũng
phải tham phỏng học hỏi; bởi kẻ tu xuất sắc thì
hiếm khi tìm thấy, mà e rằng bạn cũng nhìn không thấu
chỗ xuất sắc của người ta là ở đâu. Do đó, đi thăm
viếng học hỏi kẻ xấu cũng đúng; bởi vì thấy được
điểm xấu, điều lỗi lầm của họ, bạn hãy dùng nó
để tự cảnh giác, thức tỉnh chính mình; tự hỏi mình
có lỗi làm tương tự hay chăng, và tránh phạm lỗi
ấy.
Tham phỏng học hỏi là phải nghiên cứu điểm xấu, điểm
hư của người ta. Họ phạm lỗi ấy ư? Mình phải tu
sao để đừng phạm nó! Họ không tu đúng Giới Pháp; mình
phải tu sao cho đúng Giới Pháp!
Bạn xuất gia là vì mục đích tu hành, do đó đừng nên
ra ngoài học thêm pháp thế gian. Những điều ở trường
Phật-Học-Viện dạy chưa chắc hoàn toàn là Phật Pháp,
Phật-học, vì luôn bị xen tạp bởi những môn như Xã-hội
học, Kinh-tế học, v.v... Nếu bạn cứ ở gần những môi
trường như vậy, lâu dần thì tâm bạn sẽ không cách gì
thoát ly nổi thế tục.
Khi các bạn đến với đạo Phật, cạo đầu đi tu, hãy
xem bạn có thể liễu sanh thoát tử hay không; đó là điều
bạn chẳng thể không hiểu. Như đã đi tu lại còn
muốn đi học kiếm bằng cấp, thêm kiến thức; thử
hỏi ở trường học có ai dạy bạn mặc áo thô, ăn cơm
đạm, buông xả để tu hành chăng?
Nhiều Tăng-sĩ đã xuất gia rồi, lại đi học ở
Phật-Học-Viện. Sau khi tốt nghiệp, họ chỉ tăng trưởng
lòng ngã mạn, tự cao tự đại, cứ muốn làm Trụ-trì.
Song, họ nhờ vào đâu để "thống lý đại chúng",
khiến mọi người hòa hợp, vui vẻ tu hành? Họ không làm
sao có năng lực để cảm hóa tha nhân; cũng không ai
chịu nổi họ!
Do đó, bậc Tăng-sĩ
phải thiết thực tu hành khổ-hạnh, niệm Phật cho
nhiều, phước huệ song tu.
D. Quan Hệ
Giữa Kẻ Ðồng Tu
Làm thân đồ đệ, nếu bạn biết Thầy của mình có
lỗi lầm gì, dù lớn đến đâu, bạn cũng chớ nói
với kẻ khác. Bởi, nếu bạn làm như vậy, thì đó cũng
là một hành động lỗi lầm!
Sau khi nghe kẻ khác
nói về lỗi lầm của vị Thầy của y, bạn đem những
điều đã nghe ấy kể lể với mọi người, thì bao nhiêu
tội của y đều quy vào thân bạn. Bởi vì đó là phạm
lỗi nói điều xấu của các vị đồng tu.
Ðối với các huynh đệ đồng tu trong chùa, bạn không có
gì phải sợ sệt cả. Hãy tôn trọng, cung kính lẫn
nhau.
Khi muốn nhờ ai làm
việc gì, bạn đừng dùng thái độ ra lệnh (như lớn
tiếng, ra oai, nói cộc lốc), sai khiến họ giống như
cha sai con, chủ sai tớ; bởi đó là thái độ của kẻ
thế tục.
Mình là người tu
Ðạo, thì phải lấy Phật Pháp làm mô phạm (tức là dùng
lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn, cung kính yêu cầu họ làm
việc).
Khi anh em huynh đệ ngồi với nhau, các bạn nên đàm
luận về Phật Pháp. Ðừng bàn tới mọi đề tài khác
để tránh loạn tâm. Ðừng nên tham gia tán gẫu, nói
những chuyện vô nghĩa, phí thì giờ.
Khi trong huynh đệ có người nói chuyện về Phật Pháp,
thì đừng nên xen chuyện thế tục vào. Nếu không, càng
nói càng lạc để xa lắc. Hơn nữa, khi đã nói chuyện
thế tục, thế nào bạn cũng đề cập tới chuyện ăn
uống, thức này ngon, thức kia dở v.v...
Hai chúng Tăng và Ni phải phân ra ranh giới cho rõ ràng. Các
vị sống tới trăm tuổi cũng phải phân rành mạch như
vậy. Trừ phi bạn đã khai ngộ, chứng quả, có được
Ðịnh-lực sâu dày; bằng không, bạn sẽ rất dễ phạm
lỗi lầm, gây ra đủ vấn đề phức tạp.
Khi Tăng và Ni nói chuyện với nhau, các vị không được
mặt đối mặt, mắt ngó mắt. Khi Tăng và Ni cần trao đổi,
đưa vật gì, thì hai bên cũng không được chạm tay
nhau.
Sư-Phụ tu có Ðịnh-lực;
bằng không, Ta cũng không thể để mấy cô tới gần
trong tầm một trăm bước nữa. Các vị bây giờ chưa có
được một phần mười chánh niệm; do đó, các vị
vẫn còn ở trong vòng rất nguy hiểm, nên cần phải chú
ý cho kỹ.
E. Nhẫn
Nhục
Thọ Giới tức là nhẫn nhục. Nếu bạn có thể nhẫn
nhục chịu đựng hết mọi sự, thì bạn sẽ khó mà
phạm Giới.
Bạn phải tu nhẫn nhịn vì nhẫn là gốc của việc tu.
Nếu không biết nhịn nhục thì chỉ uổng cho bộ áo nhà
tu đang khoác trên mình. Bạn chớ luôn cho rằng hễ
việc gì mình làm là đúng (kẻ khác là sai); thái độ
ấy sẽ làm cho bạn khó tu tâm.
Dựa theo lòng nhẫn nại mà tu hành thì mới là tu căn
bản. Kết quả là đi tới đâu bạn cũng có năng lực
cảm hóa người khác. Do đó, tu hạnh Nhẫn-nhục mới có
đức hạnh; ai thấy bạn họ cũng sẽ sanh lòng hoan hỷ,
và bạn có thể hóa độ họ.
Sau khi đã xuất gia, bạn phải xem hạnh Nhẫn-nhục là
cao nhất, là số một. Những kẻ nói xấu, chửi bới,
chê bai, phê bình bạn, đều là những kẻ chỉ đường
cho bạn. Không có họ, bạn chẳng thể tiến bộ, chẳng
thể thành tựu.
Ðừng cho rằng
những nghịch duyên đó làm khổ bạn rồi sanh lòng ghét
chúng, chán chúng, coi cái gì cũng không vừa lòng mình,
thấy cái gì cũng gai mắt, rồi bạn nghĩ: "Thôi,
cuốn gói đi quách! Về nhà cho rồi!" Song, biết đi
đâu cho tốt? Cũng không thể đi cưới vợ, vì bạn
biết làm vậy còn khổ hơn kia mà, nào khác gì sống ở
địa ngục đâu?
Khi bị ai công kích, phê bình, bạn nên nhẫn chịu. Dù có
bị oan cũng ráng nhịn. Bạn còn phải cảm ơn người ta
vì may mắn lắm mình mới được (phê bình) như vậy.
Khi ai đem việc xấu ác, lỗi lầm mà đổ thừa, vu oan
cho bạn; bạn cần phải nhẫn nại.
Dù bạn có đúng lý mà kẻ khác vu khống, nói càn rằng
bạn sai bạn lỗi, thì bạn vẫn nên sám hối, xin lỗi
kẻ ấy (đừng tranh biện); bởi vì tu hành chính là tu
ở chỗ này.
Phải quán sát như
thế nào? Bạn phải quán những lời lẽ ấy như tiền
bạc; và khi người kia phun lời xấu ác thì cũng giống
như y đang vung tiền cho bạn vậy. Nếu khi những cảnh
giới ấy tới mà bạn không nhẫn, không biết làm sao tu
nhẫn nhục, thì chỉ sanh ra đủ thứ phiền não, bực
bội mà thôi!
Kẻ đả kích, bài bác chửi rủa bạn, bạn cho rằng y
xấu. Song, theo quan điểm tu Ðạo, y quả là người giúp
bạn; bạn phải cảm ơn y. Y đem tiền ở cõi Cực-Lạc
tới tặng bạn, bạn không chịu nhận, lại chạy trốn,
khóc lóc om sòm!
Khi chuyện gì xảy đến với bạn, bạn cũng nhẫn nhịn
được, thì tu mới tiến bộ. Dù bạn có đúng lý cũng
đừng cãi cọ tranh biện; cứ sám hối, xin lỗi người
ta là đủ. Ðó là bạn đang tích tập công đức cho chính
bạn vậy.
Nhẫn-nhục Ba-la-mật là hạnh mà khi bạn nhẫn nhục,
bạn không cảm thấy và không cho rằng mình đang làm
hạnh Nhẫn-nhục, không rêu rao là mình nhẫn nhục, và cũng
không đè nén, dồn ép nội tâm (không để lộ sự
giận dữ bên trong); vì đó toàn là có tướng trạng.
Khi nhẫn nhục mà
lòng bạn không hề có cảm giác gì, không thấy chuyện
gì xảy ra; như khi có ai chửi rủa bạn, bạn không
biết là họ chửi mình; thì mới đúng là hạnh
Nhẫn-nhục Ba-la-mật.

Trở về
trang nhà | Về đầu trang
|