|
|
|
Vietnamese|English Khai Thị Vì
Sao Cần Phải Niệm Phật Hòa Thượng
Tuyên Hóa Vì sao lúc bình thường
chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường mình cần
niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Tại sao không
đợi đến lúc lâm chung rồi mới niệm? Bởi vì tập quán
là thói quen tích lũy từ nhiều ngày, nhiều tháng. Nếu bình
thường các vị không có tập quán niệm Phật thì lúc lâm
chung sẽ không nhớ ra là mình cần niệm Phật, hoặc hoàn
toàn không biết là mình cần niệm Phật. Do đó, lúc bình
thường cần phải học cách niệm Phật, tu Pháp môn
Tịnh-độ thì lúc lâm chung mình mới không kinh hoảng
cuống cuồng, mới được bình an mà vãng sanh Cực-Lạc
Thế-Giới. Vì sao cần vãng sanh
Cực-Lạc Thế-Giới? Là vì khi Đức Phật A-Di-Đà còn ở
tại nhân địa, còn là vị Tỳ-kheo, Ngài đã từng phát
48 đại nguyện mà trong đó Ngài có nói rằng: “Sau
khi tôi thành Phật rồi, nếu có bất cứ ai trong mười phương
chúng sanh mà niệm ‘
A-Di-Đà Phật’--danh
hiệu của tôi--thì tôi nhất định sẽ tiếp dẫn người
đó tới thế giới của tôi, và tương lai người đó sẽ
được thành Phật. Trong thế giới của tôi, mọi chúng
sanh đều do hoa sen hoá sanh nên thân thể của họ thanh
tịnh, vô nhiễm. Đức Phật A-Di-Đà đã
phát nguyện lớn như vậy, vì thế, tất cả chúng sanh đều
nên tu Pháp môn niệm Phật. Đây là pháp môn rất hợp với căn
cơ của mọi người, lại là một pháp môn rất dễ tu. Trong Kinh còn dạy
rằng: “Đời Mạt Pháp,
một ức người tu hành hiếm có được một người đắc
Đạo, duy có tu Pháp môn Niệm Phật là được độ thoát”
Ý nói rằng một trăm triệu người tu hành mà chẳng có
được một người đắc Đạo, chỉ có niệm Phật mới làm
cho mình được vãng sanh Cực-Lạc Thế-Giới và do đó
được độ thoát. Ngay trong thời Mạt Pháp
này, niệm Phật chính là một pháp môn tương ưng nhất đối
với căn cơ của mọi người. Song, tại Âu Mỹ hiện
nay không phải là thời đại Mạt Pháp, mà có thể nói là
đang thời đại Chánh Pháp. Vì sao nói đây là thời đại
Chánh Pháp? Vì Phật Pháp vừa mới truyền tới các nước
ở phương Tây này và chính là lúc đang hưng thịnh. Vì
vậy hiện tại ở Mỹ quốc có rất nhiều người thích
tham Thiền, tịnh tọa; đó cũng là biểu hiện của Chánh
Pháp. Ở thời Chánh Pháp,
mọi người đều có thể tu Pháp môn Niệm Phật; ở
thời Mạt Pháp cũng có thể tu Pháp môn Niệm Phật--ở
bất cứ thời đại nào cũng có thể tu hành pháp môn này.
Nếu như có người đối với các pháp môn khác không
thể dụng công được, thì có thể tu Pháp môn Niệm
Phật. Thiền sư Vĩnh-Minh Diên-Thọ
có nói rằng: “Có
Thiền, có Tịnh Độ, thì
cũng như là con hổ mà
mọc thêm sừng vậy.” Nghĩa là vừa tham
Thiền và vừa niệm Phật thì giống như con hổ mọc thêm
sừng ra, vô cùng oai thế. “Hiện thế vi nhân sư,” nghĩa là trong đời này có thể
làm vị thầy của mọi người. “Tương
lai tác Phật tổ,” là đời sau thì có thể thành
Phật, làm Tổ. Do đó, người chân chánh
tham Thiền tức là người chân chánh niệm Phật, người
chân chánh niệm Phật cũng chính là người chân chánh tham
Thiền. Nói sâu một chút nữa, thì người chân chánh trì
Giới chính là người chân chánh tham Thiền, mà người chân
chánh tham Thiền cũng là người chân chánh trì Giới. Cũng
có thể nói rằng, người chân chánh giảng Kinh, thuyết Pháp,
tức là người thật sự vì giảng Kinh mà giảng Kinh, thì
cũng là người chân chánh tham Thiền. Đại Sư Vĩnh-Gia trong
cuốn Chứng Đạo Ca có nói rằng: ‘Tông
diệc thông, Thuyết diệc thôn, Định, Huệ viên minh bất trệ Không.” Nghĩa là một kẻ vừa
biết tham Thiền lại vừa biết giảng Kinh thì đó tức là
“tông, thuyết đều thông.” Nói sâu một chút nữa, thì
người chân chánh trì Chú, chân chánh tu Mật Tông, cũng là
người chân chánh tham Thiền. Vì lẽ trên, tuy nói Thiền,
Giáo, Luật, Mật, Tịnh là năm pháp môn, nhưng nếu xét
đến ngọn nguồn thì chỉ là một, không phải là sai khác.
Nếu giảng sâu thêm chút nữa thì ngay cả “một” cũng
chẳng còn, thì làm gì mà có “năm”? Người chân chánh
học Phật Pháp phải hiểu điểm này cho rõ ràng. Những kẻ có cái nhìn
phân chia tông phái cho rằng Pháp
môn Niệm Phật là cao nhất, còn tham
Thiền là không đúng; hoặc giả có người nói Tham
Thiền là pháp cao nhất, còn Niệm
Phật là sai lầm--đó tức là vì họ chưa hiểu rõ
Phật Pháp. Phải biết rằng tất
cả đều là Phật Pháp, đều là “bất khả đắc,” không
thể nắm bắt được. Đã “không có pháp gì có thể
chứng đắc được,” thì hà tấc phải chấp trước thêm
những thứ không nên chấp trước, hà tấc đương không có
chuyện lại tìm thêm chuyện, hoặc gây ra chuyện? Nếu bạn thật sự
hiểu rõ Pháp, thì “không có pháp gì có thể chứng đắc
được.” Song le, đối với những người không hiểu
Phật Pháp mà các vị nói rằng cái gì cũng hoàn toàn không
có cả thì họ sẽ thất vọng. Do đó Phật mới “thí Quyền
Pháp” (ban bố giáo
pháp Quyền biến) là vì muốn nói Thực
Pháp (Pháp chân thật); nói Quyền
Trí (trí quyền biến) là vì muốn nói Thục
Trí (trí chân thật). Vậy Thực Trí là gì? Thực Trí
là một thứ “quy vô sở đắc,” trở về lại chỗ không
chứng đắc. Thứ tướng chân thật, không có hình tướng,
nhưng mà chẳng phải là không hình tướng, mới chính là
trí tuệ chân thật vậy! |