E.
Tâm Trường Viễn (bền bĩ lâu dài)
Bạn cho tu hành dễ lắm sao?
Bây giờ, việc chúng ta làm
chỉ là thứ khổ công, khổ tu mà thôi. Bởi vì hiện
tại chúng ta chưa đoạn được tham, sân, si, do đó đây là
giai đoạn tu luyện tâm trí. Chờ khi những thứ ấy bị
đoạn không còn một mảy may, thì mới gọi là nhập Ðạo.
Tu hành không phải là việc dễ "ăn" như đậu
hủ, bỏ vô miệng là có thể ăn ngay!
Các bạn cần để 10 năm,
20 năm trì một câu "A Di Ðà Phật" không buông lơi,
cộng thêm công phu Tín, Nguyện, Hành mới được.
Nếu các cô có Ðạo-tâm, từ từ tu tới 40, 50 tuổi, không
có quái ngại, trở thành "lão sư bà", thì lúc đó
các cô mới có đặng một chút xíu tự tại; song không
phải là tự tại gì lắm. Nếu các cô không ngộ Ðạo,
thì dù đến 40, 50 tuổi, phiền não sẽ vẫn tràn ngập,
dễ thành điên đảo.
Tu hành cần giữ Trung Ðạo (trạng thái cân bằng). Ðừng
quá gấp, đừng chậm; phải như "tế thủy trường lưu",
nước chảy từ từ mà không ngừng.
Tu hành, phải giữ Trung Ðạo bằng công phu buông bỏ và
nhìn thủng. Cần mặc áo thô, ăn cơm đạm, và không
chấp trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Song
le, phải hành trì một cách tự nhiên; không phải miễn cưỡng,
bày đặt không ăn cơm, không mặc áo dù trời lạnh, hay
không ngủ nghỉ để chứng tỏ mình là một tay tu hành
cừ khôi! Khi tu tới một trình độ nào đó, tự nhiên
bạn sẽ không còn biết đói, không còn cần ngủ nghỉ
nữa.
Hãy tinh tấn, dũng mãnh tu hành. Tu tới lúc bạn không còn
nhu yếu về ăn, mặc, ở, thì khi ấy bạn có thể lên núi
bế quan; như thế thì may ra bạn có thể thành tựu. Nếu
tu chưa tới trình độ như vậy mà bế quan, thì sau này
sẽ gặp chướng ngại.
Trong quá trình tu hành, nảy sanh phiền não là việc không
tốt. Cần phải không có phiền não, lo âu, buồn vui, thì
mới tốt.
Nếu có thể mỗi ngày yên ổn, bình tĩnh để niệm
Phật, lạy Phật, tu trì, không có chuyện gì xảy ra, là
tốt rồi; chớ nên vọng tưởng chuyện này chuyện nọ.
Khi không tạo tội lỗi, thì
đó là công đức rồi!
Hôm nay là hôm nay. Ngày mai là ngày mai.
Hôm nay không xảy ra
chuyện bất tường, có thể niệm Phật qua ngày, là đủ
lắm rồi.
Việc ngày mai, để ngày
mai - chớ quái ngại, chớ âu lo.