|
Cẩm
Nang Tu Ðạo
Hòa
Thượng Quảng Khâm

Hòa Thượng
Quảng Khâm

Vài
hình ảnh về Hòa Thượng Quảng Khâm
Dẫn Nhập
Tiểu Sử Hòa Thượng Quảng Khâm
Chương I: Tu Hành
1. Tu Hành: Tìm Lại "Bản Lai
Diện Mục"
2. Cục Ðá Cột Chân Người Tu
A. Tham, Sân, Si
Dẫn
Nhập
Tập Cẩm-Nang này đúc kết tinh hoa những
lời dạy của vị Thánh-tăng cận đại - Hòa-Thượng Quảng-Khâm (1892-1986). Là
người đã giác ngộ, mỗi lời dạy của Ngài trực tiếp phá vỡ vô minh, khiến
ta giác ngộ như Ngài.
Kinh Hoa-Nghiêm dạy rằng: "Chúng sanh
như người bệnh, Thiện-tri-thức như bác-sĩ, lời dạy của Thiện-tri-thức như
thuốc hay. Thuốc hay thì đắng, song trị lành được bệnh."
Bởi vậy, trong tập Cẩm-Nang này, bạn sẽ
thấy mỗi lời dạy của Ngài đều vô cùng sâu sắc, trực tiếp song đơn giản;
ngắn gọn, dễ hiểu mà hàm súc. Ðây là điểm then chốt dị biệt giữa lời nói
của người đã ngộ Ðạo và kẻ chưa tỉnh giác.
Kẻ còn mê muội thì cần lời giảng cao xa,
sâu sắc, dùng trò chơ trí thức chữ nghĩa, song thiếu thực dụng nội tại.
Những lời dạy của Hòa-Thượng Quảng-Khâm là những lời mà không ai có thể
bắt chước đặng, bởi vì những lời ấy được lưu xuất từ một nội tâm thâm
chứng và một cuộc đời chân thật thực nghiệm, "sống" trong sự thâm
chứng ấy mỗi ngày. Ngài chỉ ăn một bửa ngọ và chỉ ăn trái cây; ngủ thì
ngủ ngồi; áo mặc thì chỉ một vài bộ. Ngài rất ít lời, không nói chuyện
dông dài, bàn luận thế sự tạp nhạp. Cả đời, vật sở hữu của Ngài hoàn
toàn không! Chẳng có xe hơi, chẳng có trương mục ngân hàng hay thẻ tín
dụng, nhà riêng, Tivi, tủ lạnh, radio.... tất cả Ngài đều không có. Chính
bởi vì, và chỉ có, cuộc sống rỗng không như vậy nên Ngài mới thực sự an
trụ trong cảnh giới Chân Không của tự tâm. Ðây thật là điều quý báu để
chúng ta, kẻ hậu học, nhất là người xuất gia, phản tỉnh và thức tỉnh.
Ðối tượng trọng tâm của tập Cẩm-Nang này
là người xuất gia, song hoàn toàn ứng dụng cho kẻ tại gia. Khi đọc Cẩm-Nang,
bạn hãy hình dung như có một vị Tăng già hiền từ, chín mươi tuổi ngoài,
đang nói chuyện cùng mình vậy.
Sách này, đọc là để áp dụng; đây không
phải là tiểu thuyết; truyện, hay sách nghiên cứu để tăng kiến thức. Khi
được đọc để áp dụng như thuốc lành trị bệnh hay như gậy đỡ chân, thì
tập Cẩm-Nang này sẽ giúp chúng ta đổi cái nhìn, sửa thói hư tật xấu, trừ
suy nghĩ lầm lẫn, hướng dẫn bước tu đúng đắn. Khi đó, ánh sáng bất tận
của Chánh Pháp sẽ chắc chắn tràn ngập nơi nơi - trong tâm bạn và những gì
quanh bạn.
Tiểu
Sử Hòa Thượng Quảng Khâm
Hòa-Thượng Quảng-Khâm sinh vào đời nhà
Thanh, năm Quang-Tự thứ 18 (1892). Ngài họ Hoàng, tên tục là Văn-Lai, quê ở
Phúc-kiến, Trung-Hoa.
Gia đình Ngài rất nghèo, đến độ anh ruột
Ngài không có đủ tiền để cưới vợ. Năm Ngài bốn tuổi, vì không đủ sức
nuôi dưỡng Ngài, cha mẹ Ngài phải đem Ngài bán làm con nuôi cho gia đình họ
Lý ở Tấn-giang. Hai ông bà họ Lý là người rất tốt, cả đời sống bằng nghề
trồng trọt. Họ thương yêu Ngài như con ruột vậy. Bà Lý là người tin Phật
sâu xa, suốt đời trường trai. Bà thường đem Ngài lên chùa cầu nguyện bởi
từ nhỏ Ngài thường bệnh hoạn, thân thể yếu ớt.
Năm Ngài chín tuổi, bà Lý qua đời; hai
năm sau dưỡng phụ Ngài cũng nối gót từ trần, khiến Ngài bỗng chốc trở
thành cô nhi. Bấy giờ, bà con họ hàng ai nấy đều tranh dòm, chờ chực để
chiếm đất đai ruộng vườn, tài sản của gia đình họ Lý để lại. Ðiều ấy
khiến Ngài, một trẻ thơ, cảm nhận sâu xa mùi vị chua chát của thói đời và
tánh vô thường của mọi sự. Trong đầu Ngài nảy sinh ý niệm thoát trần: Ngài
đem hết của cải đất đai nhường lại cho bà con, rồi một mình tìm tới Chùa
Thừa-Thiên ở Phúc-châu xin xuất gia.
Bấy giờ, phương trượng Chùa Thừa-Thiên
là Hòa-Thượng Chuyển-Trần, dạy Ngài quy-y, tu Khổ-hạnh với Thầy
Thụy-Phương. Ngài được phân phối cho việc lao tác, trồng rau, nhổ cỏ....;
đây là những việc công quả tập sự dành cho người muốn xuất gia.
Ðến năm 19 tuổi, do nhiều nhân duyên đặc
biệt, Ngài đã qua Nam-Dương. Ở đây, vì không có trình độ học vấn nên
Ngài phải làm việc lao động chân tay. Một hôm, nhân cùng đồng bạn lên núi
đốn củi, Ngài nói với bạn về trực giác linh cảm của mình rằng chiếc xe vận
tải chở củi sẽ lật ở dốc núi, nhưng không ai tin. Không lâu, chiếc xe quả
nhiên bị lật thật. Ðiều này khiến bạn Ngài ngạc nhiên, bảo rằng: "Có
được trực giác như vậy sao anh không chịu tu hành, phát triển tâm linh, sau
này độ thế?" Nghe qua, Ngài như chợt tỉnh, liền đáp thuyền về lại
Trung-Hoa. Bấy giờ Ngài đã 35 tuổi, sau gần 16 năm sống ở Nam-Dương.
Về lại Chùa Thừa-Thiên, Ngài chính thức
xuống tóc, lạy Hòa-Thượng Thụy-Phương làm Thầỵ Pháp-danh của Ngài là
Chiếu-Kính, tự Quảng-Khâm. Sau khi xuất gia, Ngài chuyên chú tu Khổ-hạnh, ăn
những thức không ai thèm ăn, làm những việc không ai chịu làm, thường luôn
ngồi Thiền, một lòng niệm Phật. Có một thời gian Ngài giữ trách nhiệm
Hương-đăng (thắp nhang, quét tước điện Phật) và đánh bảng thức chúng mỗi
sáng. Nhiều lần Ngài ngủ say quá nên trễ nãi việc đánh bảng. Ðiều này
khiến Ngài vô cùng hổ thẹn, sám hối sâu xa trong lòng, rồi từ đó lập chí
ngủ ngồi.
Năm 1933, sau sáu năm làm Sa-di tu Khổ-hạnh,
bấy giờ Ngài mới đi cầu thọ giới Tỳ-khưu nơi Hoà-Thượng Diệu-Nghĩa, Chùa
từ-Thọ, Phủ-điền. Thọ Giới rồi, Ngài liền xin phép Phương-Trượng
Chuyển-Trần đi ẩn tu; lúc ấy Ngài vừa đúng 42 tuổi. Bấy giờ, một thân một
mình, với ít áo quần và hơn 10 ký gạo. Ngài nhắm núi Thanh-lương, tỉnh
Tuyền-châu, tiến bước. Nơi ấy, ở giữa sườn núi, Ngài tìm thấy một thạch
động đủ rộng để an thân tu Ðạo. Ðộng này vốn là nơi mãnh hổ thường lui
tới; thế nhưng khi gặp hổ, Ngài chẳng hãi sợ. Ngài bảo cho chúng biết ý
định muốn dùng động này để tu hành và khuyên chúng hãy tìm nơi khác. Lạ
thay, hổ như hiểu ý Ngài, rõ lời người. Ngài lại vì hổ mà thuyết Tam Quy-y;
hổ nghe rồi vẫy đuôi đi mất. Không lâu sau, hổ ấy đem bầy hổ lại: nào hổ
mẹ, hổ con... đùa giỡn, gần gủi với Ngài như gia súc vậy. Bởi thế, sau này
người dân quanh đấy gọi Ngài là Phục Hổ Hòa-Thượng.
Bấy giờ, Hòa-Thượng ở sơn động ngày
ngày tọa Thiền, niệm Phật; chẳng bao lâu lương thực cạn sạch, Ngài bèn hái
trái cây rừng để ăn. Trong núi, ngoài hổ còn có khỉ, vượn. Bọn ấy, lạ
thay, thường hay đến động; chúng lại đem cả hoa quả cây trái lại cúng
dường Ngài nữa!
Hòa-Thượng thường hay nhập Ðịnh. Có lần
Ngài nhập Ðịnh đến vài tháng, không ăn uống, không động đậy thân thể;
thậm chí hơi thở dường như dứt tuyệt. Có người gần đấy thấy vậy thì lầm
tưởng rằng Ngài đã viên tịch, nên tức tốc cấp báo với Hòa-Thượng
Chuyển-Trần để lo việc hỏa táng. May thay, lúc ấy có vị cao-tăng là Ðại-Sư
Hoằng-Nhất đang ở chùa gần đấy, nghe được tin trên bèn cùng Hòa-Thượng
Chuyển-Trần lên núi xem hư thực. Tới nơi, Ðại-Sư Hoằng-Nhất biết Ngài đang
nhập Ðịnh, liền gõ ba tiếng khánh, đánh thức Ngài dậy từ trạng thái
Thiền-định. Tin Ngài nhập Ðịnh lan truyền khắp nơi khiến ai ai cũng tán
thán.
Tháng ngày qua như tên bắn, thấm thoát
Hòa-Thượng đã ở trên núi Thanh-lương được 13 năm. Bấy giờ Ngài, đã 54
tuổi (1945), trở về Chùa Thừa-Thiên. Hai năm sau, 1947, Ngài rời Ðại-lục,
đáp thuyền tới Ðài-loan. Ở đây, bắt đầu quãng đời hoằng Pháp của
Ngài:
- 1948, Ngài xây một ngôi chùa nhỏ ở
Ðài-bắc, tên là Quảng-Minh Tự.
- 1951, xây Quảng-Chiếu Tự.
- 1952, Ngài tìm thấy một thạch động ở
núi Thành-phước rất đặc biệt: khi mặt trời và mặt trăng mới mọc thì ánh
sáng chiếu thẳng vào cửa động. Bởi thế, Ngài đặt tên là Nhật-Nguyệt Ðộng
và quyết định ở đấy ẩn tu. Nơi ấy xưa nay vốn không có nước, song từ khi
Ngài vào ở bỗng có một suối nước mát tự nhiên vọt lên kế bên. Trên đỉnh
núi ấy, Ngài dựng một chòi tranh để ở. Một đêm nọ, có con trăn khổng lồ
bò lại chòi tranh cầu Pháp; Ngài liền vì nó thuyết Pháp và truyền Tam Quy-y.
- 1955, tín đồ ở Ðài-bắc cúng dường
Ngài một cuộc đất do hỏa sơn tạo nên; Ngài bèn xây Thừa-Thiên Tự ở đó.
- 1963, Ngài hưng kiến Tường-Ðức Tự; xây
Quảng-Long Tự ở núi Long-tỉnh.
Ðến năm 1964, Ngài đã ở Ðài-loan được
17 năm. Trong suốt thời gian ấy, Ngài đã nhập định ba lần và mỗi lần lâu
hơn cả tháng. Hằng ngày, Ngài chỉ ăn một bửa và chỉ ăn trái cây; Ngài
không ăn đồ nấu nướng hay chiên xào gì cả. Vì vậy, tín đồ gọi Ngài là
Thủy-Quả Hòa-thượng - Ông Thầy Ăn Trái Cây - Trừ khi trời mưa, thường thì
mỗi đêm Ngài đều ngồi tọa Thiền cho tới sáng ở ngoài vườn hay trong rừng,
chứ không ngủ trong phòng như kẻ khác. Ðấy là những công hạnh đặc biệt
của Ngài.
Năm Ngài 80 tuổi, có lần Ngài biểu thị cho
Ðại-chúng biết ý định "Xả Báo" - nhập Ðịnh - của Ngài. Lúc ấy
các đệ tử vô cùng khẩn thiết, cầu xin Ngài tiếp tục từ bi trụ thế. Bấy
giờ Ngài vì tùy thuận chúng sanh nên trì hoãn việc nhập Ðịnh, tiếp tục
công cuộc độ sinh. Từ ấy Ngài đi Nam-đầu, Ðài-trung, Gia-nghĩa, Hoa-liên,
v.v... hoằng Pháp độ chúng.
Ðến năm 84 tuổi, Ngài bắt đầu cấm túc,
ở luôn tại chùa Thừa-Thiên trên núi Thanh-lương không còn xuống núi nữa.
Công cuộc xây chùa vẫn tiếp tục, song do các đại đệ tử của Ngài chủ
động: trùng tu Chùa Thừa-Thiên, xây Quảng-Thừa Nham (1974), Diệu-Thông Tự
(1982).
Năm Ngài 94 tuổi (1985), Ngài chủ trì Tam
Ðàn Ðại Giới, truyền giới cho hơn 2.500 vị Tăng, Ni và cư sĩ; tạo thành
một Pháp-Hội trang nghiêm vĩ đại nhất ở Ðài-loan lúc bấy giờ.
Bấy giờ tuy đã gần kề trăm tuổi, Ngài
vẫn sống rất đơn giản, đạm bạc; lời nói của Ngài bình dị, khiêm nhường;
bước đi của Ngài vẫn vững chãi, không cần dùng tới gậy chống, không nhờ
người đỡ taỵ Nếu ai gặp Ngài lúc ấy sẽ thấy thân Ngài vô cùng nhẹ nhàng,
linh hoạt; động tác thanh thoát. Ngài vẫn y nhiên ngủ ngồi, không nằm; và
vẫn ngồi ngoài vườn lộ thiên tĩnh tọa mỗi đêm. Bấy giờ thức ăn trái cây
của Ngài phải được nghiền thành chất lỏng để dễ ăn.
Cuối năm 1985, Ngài trở về Chùa
Thừa-Thiên. Ngài thị hiện có bệnh; cự tuyệt mọi thứ ẩm thực, thuốc men;
cũng không tiếp kiến tín đồ.
Ngày Tết Nguyên-đán năm ấy, 1986, Ngài
triệu tập tất cả đệ tử ở các chùa và tu viện khắp nơi lại để phú chúc,
phân phối hậu sự. Ngài chỉ bảo việc hỏa táng, phân chia linh cốt tại
Thừa-Thiên Tự, Quảng-Thừa Nham, và Diệu-Thông Tự, đồng thời trả lời mọi
nghi vấn của tín chúng.
Sáng ấy, sau giờ thọ trai, Ngài quyết định
xuống Diệu-Thông Tự ở Cao-hùng.
Hôm sau, mồng hai Tết, khí lực của Ngài vô
cùng suy nhược.
Mồng ba Tết, thể lực của Ngài bình phục.
Ngài cùng đại chúng lên điện niệm Phật. Ngài lại nói chuyện một cách thong
dong tự tại với các tín đồ đệ tử; tinh thần vô cùng sáng suốt và lạc quan
như không có chuyện gì xảy ra.
Sáng mồng bốn Tết, Ngài gọi tất cả đệ
tử cùng Ngài ra bên ngoài điện đón nắng. Ngài nói với một đệ tử, Thầy
Truyền-Văn, rằng: "Ngươi được rồi đấy; song bọn họ - đại chúng - còn
chưa xong đâu!"
Mồng năm Tết (ngày 13 tháng 2 năm 1986),
Ngài ngồi xếp bằng yên định, tinh thần hòa hoãn, chẳng chút xao động; rồi
dạy các đệ tử đồng thanh niệm Phật.
Vào hai giờ chiều hôm ấy, Ngài bảo
đại-chúng: "Vô lai vô khứ, một hữu sự!" (chẳng đến chẳng đi,
chẳng việc gì); rồi nhìn đại-chúng gật đầu, mỉm cười. Không lâu sau, đại
chúng thấy Ngài ngồi yên bất động liền đến bên quan sát kỹ, mới hay Ngài
đã an nhiên theo tiếng niệm Phật, viên tịch rồi.
Nhìn lại cả đời Ngài, xuất thân tuy nghèo
khổ song bản tánh tự an, ngay thật, bình dị; đến khi xuất gia, Ngài thật sự
buông bỏ vạn sự, chân thành ẩn tu, thực hành đủ thứ khổ-hạnh gian khó. Bởi
nhân địa chân thật như vậy, nên kết quả là cảm ứng bất khả tư nghị - sau
khi xuống núi, tới Ðài-loan hoằng dương Phật Pháp, Ngài đã tiếp độ không
biết bao nhiêu chúng sanh, từ người đến thú, từ dương giới đến âm giới,
từ hữu tình đến vô tình... Và, nhất là sự viên-tịch vô cùng tự do tự tại
của Ngài - một minh chứng hùng hồn nhất về sự diệu kỳ của Phật Pháp, cũng
như về khả năng thành tựu sự giải thoát, đạt Ðạo của những bậc chân tu,
thật hành.
Thầm nguyện Hòa-Thượng sẽ không xả bỏ
đại nguyện, tiếp tục chèo thuyền từ bi trở lại cõi này để không ngừng
đưa lớp lớp chúng sanh tới bờ bên kia, đến nơi an ổn, vô úy, vô ưu não!
Chương
I: Tu Hành
1.
Tu Hành: Tìm Lại "Bản Lai Diện Mục"
Pháp môn mà ta tu học là
pháp Vô-thượng, là Pháp chẳng có hình tướng gì, bởi vì nó là pháp ở
trong tâm.
Xuất gia tu hành là vì mục
đích tìm lại bản lai diện mục - khuôn mặt thật của mình trước khi được
cha mẹ sanh ra. Khi các bạn chưa sáng tỏ việc này thì trí huệ chưa khai mở;
cũng giống như mặt trăng bị mây đen che kín, không thể hiển xuất quang minh
được.
Tu đạo là vì giải thoát,
không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ Ngũ Uẩn (Sắc,
thọ, tưởng, hành, thức) đều "không" chăng?
Tu đạo thì cần trừ tham,
sân, si; đạt đến chỗ thân, miệng, ý đều trong sạch.
Từ thuở vô thủy tới nay, nghiệp chướng mà mình tạo ra thì đầy ngập như
núi cao. Ngày nay các bạn xuất gia tu hành thì cần phải tiêu trừ nghiệp
chướng của mình đi. Nếu không khéo tu hành, mà ngược lại, tạo tội nghiệp,
thì núi cao nghiệp chướng kia ngày càng đắp cao thêm; vĩnh viễn bạn không
còn cách gì thoát khỏi vòng sanh tử.
2. Cục Ðá Cột Chân Người Tu
A.
Tham, Sân, Si
Hễ bạn khởi tâm động niệm thì tự mình đã sai lầm rồi
đó, là bởi do cái "ngã", cái "tôi" tồn tại. Ðây là niệm
rất vi tế; chỉ do niệm này bắt đầu khởi dậy, mà tất cả ý nghĩ khác dấy
lên.
Cứ chê kẻ khác sai, kẻ khác xấu, còn mình thì luôn luôn
đúng, luôn tốt; nghe người ta nói mình tốt thì vui, thì thích; bị kẻ khác
chê xấu thì khó chịu, thì rầu; đó đều là nhân-ngã tướng- thấy thật có
mình, có người. Khi tu hành mà còn có tướng nhân-ngã như thế thì không
thể yên ổn tu hành. Khi còn ngã-tướng thì làm gì cũng thấy có cái
"ta", coi cái "ta" này trọng lắm, phân định ranh giới
"ta" và "bọn họ" rõ ràng lắm. Như vậy thì chẳng có lợi gì
cho việc tu, mà ngày ngày lại do đó phát sinh phiền não.
Nếu bạn đắm trước, chấp chặt vào sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, chạm xúc, và ý tưởng)
thì trí huệ không thể khai phát đặng.
Tai các bạn lúc nào cũng thích nghe, nghe xem có ai nói xấu
mình chăng; mắt lúc nào cũng thích nhìn hình sắc đẹp đẽ; đó là những
thứ chẳng lợi cho việc tu.
Không trừ sạch tham, sân, si, thì không có cách gì khai trí
huệ đâu!
Chỉ cần tham một thứ gì đó là đủ khiến ta trở lại vòng
luân hồi rồi!
Tham một thứ thì nhiều thêm một thứ. Ít đi một vọng niệm
thì bớt đi một chút nghiệp, lại tăng thêm một phần giải thoát.
Không nên nổi lòng tức giận, dù nhỏ như sợi lông; nếu
không mình chẳng thể nhập đạo đặng.
Nếu bạn vẫn còn lòng yêu đương, tình ái trong quan hệ phụ
mẫu, bạn bè, đồng sự, bà con..., thì trăm ngàn vạn kiếp bạn vẫn mãi ở
trong luân hồi. Nếu có hạt giống Phật thì sự tu hành tương đối mau hơn.
Không nên để những thứ xấu xa, rác rến chất đầy đầu não,
thật là thống khổ đấy! Không nên yêu thích cái đẹp; hãy mặc cái y này
(chỉ áo cà-sa của chư Tăng, Ni) mà trực tiếp tới cõi Tây Phương. Nếu bạn
thích (mặc áo) đẹp thì sau này khi ở Tây Phương sẽ tự nhiên có y phục
đẹp mặc vào, không cần phải may phải mua. Có kẻ chưa tới Tây Phương song
hiện đã có hình dáng như ở đó rồi.

Trở về
trang nhà
|