Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có câu: "Cúng
dường ba đời mười phương Phật không bằng cúng
dường một Ðạo nhân vô tâm". Thế nào là Ðạo
nhân vô tâm? Chính là nói về người tham thiền
tại Thiền đường, người nào không có tâm cầu danh
cầu lợi, ai đã diệt trừ được năm gốc rễ của địa
ngục, tức là tiền tài, sắc dục, danh tiếng, ăn
và ngủ, không có tâm gì, không có niệm gì khác,
trong lúc ngồi tham thiền. Ðược như vậy gọi là
Ðạo nhân vô tâm.
Muốn thực sự hoằng Pháp tại Tây phương này thì
phải theo pháp môn "Vô tâm Ðạo nhân". Nói như
vậy không phải là mong cầu một sự cúng dường
dành cho "vô tâm Ðạo nhân", bởi có chủ ý được
cúng dường tức là đã có tâm rồi. Do đó thời gian
tu ở Thiền đường là thời gian chúng ta thực sự
tu thiền tập định, không thể để các vọng tưởng
ào tới cái nọ tiếp theo cái kia, như các hình
trên màn điện ảnh diễn ra trước mắt, như vậy là
xa Ðạo cả mười vạn tám ngàn dặm. Quý vị càng đi
thì càng xa quê nhà, quý vị biến thành một kẻ
lang thang du tử, đáng tội biết bao!
Chúng ta tu phải cố gắng thực sự, chỉ có thể
bằng vào công phu thực của mình. Chớ ham danh
tiếng, lợi lộc, tránh tự tuyên truyền mình. Phải
tu tập theo tinh thần các Ngài Văn Thù, Phổ
Hiền, Quán Thế Âm, Ðịa Tạng cùng các Bồ-tát,
phải hộ trì Ðạo tràng và giáo hóa chúng sanh.
Các vị Bồ-tát thường lấy sự thành tựu của các
chúng sanh làm sự thành tựu của chính mình,
các Ngài không có sự phân biệt người với ta.
Bồ-tát thường nghe thấy rồi tùy hỷ tán thán công
đức của mọi người.
Tục
ngữ có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương, hà tu đại
phong dương?". Người tu mà vô tâm tới
mức độ cao, tự nhiên sẽ có cảm ứng. Làm việc
Phật tức là Phật, làm việc của Bồ-tát là Bồ-tát,
làm việc của A-la-hán là A-la-hán, làm việc của
quỷ là quỷ, đó là một điều tự nhiên. Người tu
Ðạo không thể kiếm đường tắt, hoặc cầu may mà
được. Phải thực sự dấn thân, qua từng bước chắc
chắn, thành tâm tu tập mới mong có ngày thành
tựu Ðạo nghiệp.
Thiền thất khai thị tháng 12, năm 1980