Chinese and English | Vietnamese

Pháp Sư Người Mỹ Nhất Định Phải Truyền Pháp Về Phương Đông

Trích từ Hoa Nghiêm Sớ Sao Giảng Giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa.

Tỳ kheo Cận Vĩnh chuyển dịch sang Tiếng Anh.

Dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea, số tháng 12, 2007, trang 26-27.

Khi các con đến Đài Loan, các con có thể nói rằng các con đã rời bỏ cuộc sống thế tục để nhận giới Sa Di, giới Bồ Tát và giới Tỳ Kheo. Các con đã đốt hương trên đầu và đã thọ nhận tu hành giới luật một thời gian rồi.

Các con tới Đài Loan chỉ để thọ nhận lại giới luật của các con. Vì thế, khi người Đài Loan thấy các con, họ sẽ nghĩ rằng: “À! Những vị người Mỹ này đã thọ nhận các giới luật rồi và họ lại quay trở lại để nhận giới luật nữa, tốt hơn hết chúng ta cần phải thành kính hơn”. Các con sẽ khiến cho những người ở Trung Hoa trở nên thành khẩn nghiêm túc hơn. Điều này cũng chính là một cách để truyền bá Phật Pháp.

Mục tiêu chính để các con đến đấy không chỉ là nhận giới luật mà còn là hoằng dương Phật Pháp. Trong tương lai, các Pháp Sư người Mỹ phải truyền bá Phật Pháp về Phương Đông, các Kinh sách được lưu hành và truyền bá cũng theo cách tương tự như vậy. Mọi người có thể luân phiên nhau làm việc này. Tôi có kế hoạch sẽ cử một số người xuất gia về Phương Đông mỗi năm để họ giáo hóa chúng sanh ở đó. Chúng ta có quá nhiều người ở Chùa này; chúng ta không thực sự cần quá nhiều. Mục tiêu chính của chuyến đi Đài Loan của các con là truyền bá Phật Pháp và việc cầu thọ giới luật chỉ là mục tiêu thứ hai. Thực tế, các con đã thọ nhận các giới luật rồi, xem như đã viên mãn. Chủ yếu là đi hoằng dương Phật Pháp. Đi tới đâu cũng sẽ có người thỉnh mời các con giảng Kinh, thuyết pháp hay chỉ dẫn, khai thị. Chủ đề chính của các con nên nói đến là: Chúng tôi hiện có Chánh Pháp thường trụ ở Mỹ, và chúng tôi không muốn tình trạng Phật Pháp của quý vị ở nơi đây bị suy tàn.

Hãy chỉ nói về chủ đề này ở khắp mọi nơi. Rất tốt khi nói về chủ đề này hàng trăm lần. Các con có thể hỏi họ thế này: “Tôi muốn thỉnh hỏi quý Đại Đức: ‘Vì sao quý vị là người xuất gia lại không tuân thủ các giới luật của Phật?’ Hãy đi hỏi họ điều này. Các con không biết rằng dưới mắt người Trung Hoa, các con - các nhà sư người Mỹ - sẽ được xem như là những vị Bồ Tát. Họ cần khấu đầu đảnh lễ các con mới đúng. Trong quá khứ, các con đã lạy tất cả mọi người ở các nơi mà các con đi đến. Giờ đây, các con không cần phải lạy họ nữa. Thay vào đó, người ta cần lạy các con. Nếu họ nói rằng các con là những Sa Di mới xuất gia, thì các con có thể đáp rằng: ‘Tuổi đạo chúng tôi nhiều hơn quý vị, bởi vì chúng tôi đã thọ giới luật hàng ngàn năm trước rồi! Cả ba chúng tôi đều là những vị Pháp Sư từ thời nhà Tùy, nhà Đường, nhà Tống, từ quá khứ cho đến nay. Quý vị thọ nhận giới luật khi nào?’ Hãy nói với họ như vậy, đừng sợ!”

Ta không dạy các con cống cao kiêu mạn. Chúng ta muốn truyền bá Chánh Pháp, vì thế, chúng ta nên truyền bá Chánh Pháp đi khắp nơi. Khi các con tới Hồng Kông, hãy nhớ không được xấu hổ mắc cở như lần ở New York khi các con run rẩy niệm, “Nam … Mô … Bổn … Sư … Thích … Ca … Mâu … Ni … Phật … ”. Các con sợ cái gì vậy? Đừng sợ gì cả! Lần này tới Hong Kong, các con nên đề khởi tinh thần lên. Đừng nên thường muốn ngủ gục, tốt hơn hết là hãy đuổi những con bọ lười biếng và bọ mê ngủ đi.

Đây sẽ là lần đầu tiên các Pháp Sư Phương Tây đi về Phương Đông để nói Phật Pháp. Vì thế, các con cần phải mở đường và là người tiên phong. Đừng chỉ đi theo sau và lắng nghe người khác chỉ dẫn trong khi các con thì hiện diện ở đó. Các con nên dùng tâm chân chánh làm chủ chính mình và có quan điểm chân chánh để tranh luận. Trong quá trình tranh luận, đừng nổi nóng, thay vào đó hãy điềm đạm, hoan hỷ vui vẻ lý luận với người đối thoại. Đừng nói không ngừng nghỉ như súng máy. Các con nên lắng nghe những tranh luận của người đối thoại và có lập luận lại tương ứng. Các con không nên nói quá nhiều. Chỉ một hoặc hai câu điểm trúng ý là đủ để đả phá thành kiến của người đối thoại.