English | Vietnamese

Nếu Tôi Nghe Lời Vị Thiện Tri Thức Của Tôi

Quả Lặc - Kuo Lei (Douglas Powers)

Trích Lời Nói Đầu trong sách Open Your Eyes - Take A Look At The World http://www.cttbusa.org/openyoureyes/1978preface.asp

 

Tôi bắt đầu chuyến đi xuyên Á tại Hương Cảng, thuộc đảo Lạn Đầu (Lan Tau). Trong tháng Bảy, tôi ở tại tu viện của Hòa Thượng tại Hương Cảng. Sang tháng Tám, tôi đến Kuala Lumpur (Mã Lai) để tham gia vào phái đoàn đi Á châu của Hội Phật Giáo Trung-Mỹ và Đại Học Phật Giáo Pháp Giới. Ngay từ giây phút đầu tiên, phái đoàn đã bị bao quanh bởi đông đảo người đến nghe Phật pháp. Có lúc con số lên đến hàng ngàn.

Copy of DSC01368.JPG (291406 bytes)

Giáo sư Douglas Powers (người ngồi ngoài cùng phía bên trái) cùng phái đoàn

Thời khóa biểu đầy ắp hằng ngày của tôi bao gồm việc liên tục di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác và tiếp tục xuất hiện trước vô số người làm hao tổn sức lực của tôi. Trong tuần đầu tiên, tôi thường bị kiệt sức và có lúc phải đi nghỉ. Nhưng Hòa Thượng thì vẫn tiếp tục làm việc cả ngày lẫn đêm: thuyết Pháp, giảng Kinh, và khuyên giải cho những vấn đề cá nhân của người đến thỉnh. Ngài luôn xuất hiện trước đám đông, song vẫn duy trì được sự hóm hỉnh thoải mái trong kỷ luật. Ngài là tấm gương cho tất cả chúng tôi noi theo. Nhờ đó, sự tinh tấn chung của chúng tôi đã tăng thêm.

Đi đến đâu, phái đoàn cũng đều được mọi người ân cần tiếp đón, giúp đỡ. Chúng tôi học hỏi lẫn nhau và hiển nhiên, Phật pháp rất sống động trong sự trao đổi này. Trong thời gian chuyến đi diễn ra, sự thích thú của những thành viên trong phái đoàn lẫn người dân địa phương ngày càng gia tăng mạnh mẽ hơn. Đây đúng là một sự kiện quan trọng, vượt quá cả số người tham dự, và ai cũng cảm nhận được điều này. Khi phái đoàn đến Penang, một trong những trung tâm Phật giáo của Mã Lai (Malaysia), số người Quy y với Hòa Thượng lên đến vài ngàn người. Rõ ràng là Mã Lai có thiện căn mà từ đó, đạo Phật có thể phát triển và hưng thịnh, và tôi thực sự vui mừng khi được ở trong số những người bạn Phật tử này.

DSC01367.JPG (285422 bytes)

Giáo sư Douglas Powers (đang đứng phía bên trái) cùng phái đoàn

Riêng về phần tôi, giây phút quyết định trong toàn bộ chuyến đi Châu Á đã đến khi phái đoàn di chuyển sang khu vực phía đông của Mã Lai. Trước khi rời khu vực phía tây, tôi có hỏi Hòa Thượng rằng nếu tôi đi tàu lửa từ Thái Lan thẳng sang Băng Cốc (Bangkok) trong khi phái đoàn sang Tân Gia Ba (Singapore) liệu có được không. Tôi giải thích rằng cách này sẽ giúp tôi tiết kiệm tiền và cũng cho phép tôi đến thêm một địa điểm xa hơn tôi muốn đến ở Nê Pan (Nepal) trước mùa đông. Tôi có kế hoạch leo những dải núi Anapurna. Trước khi chúng tôi rời các thành phố miền đông, Hòa Thượng trả lời rằng kế hoạch này rất tốt. Tuy nhiên, trước ngày tôi khởi hành, Ngài bảo tôi nên chờ và tiếp tục đi cùng đoàn sang Tân Gia Ba. Khi tôi giải thích những lý do để tôi rời đoàn một lần nữa, Ngài bảo đảm rằng tôi sẽ không gặp phải vấn đề gì về tuyết ở Nê Pan và rằng nếu tôi có vấn đề về tiền bạc thì Ngài sẽ giúp tôi. Ngài mạnh mẽ đề nghị rằng tôi nên ở lại cùng đoàn.

Trong những ngày tiếp theo, tôi ở trong trạng thái bồn chồn về tâm lý. Tôi khao khát được tự mình đi du lịch nhưng lại thấy rõ mình nên làm theo lời đề nghị của Sư phụ và tiếp tục đi cùng đoàn. Sự tranh đấu nội tâm diễn ra ác liệt trong vài ngày và sau đó tôi quyết định đi. Dục vọng của tôi đã áp đảo được trí tuệ. Hôm sau, tôi rời đoàn và khi tôi ra đi Hòa Thượng lần nữa bảo tôi phải cẩn trọng.

Tôi du hành qua Thái Lan và Miến Điện, rồi đến Nê Pan (Nepal). Sau vài ngày ở thành phố Kathmandu, tôi đón xe buýt đến Pokhara, và từ Pokhara, tôi bắt đầu leo núi, hướng về phía dãy núi Anapurna. Có nhiều tấm bảng hiệu dọc con đường cho thấy thời điểm này không thích hợp để đi du hành, nhưng tôi vẫn đi tiếp. Đến chân núi Anapurna, tôi bị rơi xuống núi chừng 40 feet (khoảng 12 thước) một cách huyền bí. Sở dĩ tôi nói “huyền bí” là vì tôi chỉ đơn giản bước ti nhưng lại thành ra dẫm hụt chân. Lúc rơi xuống, đầu tôi chạm đất trước và tôi bị bất tỉnh một lúc. Đến khi tỉnh dậy, anh bạn người Đức cùng leo núi và vài người dân địa phương giúp kéo tôi lên khỏi vách đá. Họ đưa tôi vào một hang động và tôi nằm trong đó trong vài ngày. Tôi bị thương khá nặng, gãy nhiều xương và chấn thương đầu. Một người dân địa phương đã chạy mất hai ngày để đánh điện tín liên lạc với thành phố Kathmandu . Hai ngày sau, trực thăng đến mang tôi đi.

Trong bốn ngày đó, tôi học được rất nhiều điều về tâm ý. Bài học chủ yếu đó là chỉ cần tâm còn tỉnh táo thì dù cơ thể có trong bất kỳ tình trạng nào, cũng vẫn có thể tu tập được. Rõ ràng trí tuệ và sự tu tập Phật pháp có giá trị rất lớn không chỉ trong sinh hoạt hng ngày mà còn giá trị hơn thế trong những trường hợp khẩn cấp. Một sự tĩnh lặng vĩ đại đến với tôi mặc dầu có những lúc tôi có thể thấy sự hiện hữu của những nỗi sợ hãi nhưng phần lớn tôi thấy được thực tướng của chúng: sự tạo tác trống rỗng của tâm. Tôi cũng thấy rõ rằng mọi trạng thái đều bình đẳng. Khác biệt duy nhất giữa trạng thái này và trạng thái kia chính là việc tâm tôi thấy ra sao. Chúng có cùng bản chất dù hầu hết mọi người cho chúng là thoải mái hay không thoải mái.

Bảy ngày sau khi bị rơi té, tôi trở về California. Bộ Ngoại Giao đã trợ giúp rất nhiều để tôi có được sự chăm sóc thích hợp về thuốc men, y tế, điều mà những người giúp đỡ tôi cho rằng tôi có thể nhận được tốt nhất ở nước Mỹ. Cũng phải mất thời gian để bình phục, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của nhiều người nên những chấn thương nghiêm trọng đã tự bình phục.

Khi tôi nhìn lại, mới thấy rằng chuyến đi Thái Lan bằng tàu lửa không tiết kiệm được tiền như tôi quả quyết; thực tế tôi tiêu tốn mất gần 10 ngàn đô la (*) để quay lại Mỹ, ngoài ra thời tiết trên núi đã tốt đẹp hơn vào 10 ngày sau. Thêm vào đó, tôi đã va chạm với một năng lực bị đánh bại nhưng đã suýt giết chết tôi. Lẽ ra tôi có thể tránh được toàn bộ sự việc này nếu tôi nghe lời vị Thiện tri thức của tôi thay vì ngu ngốc nhất định theo lòng ham muốn của mình.

 

Quả Lặc - Kuo Lei (Douglas Powers)

Tiến sĩ dự bị Triết Lý Thần Học

Hiệp Hội Nghiên Cứu Sinh Thần Học

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

(*) 10 ngàn đô la vào thời điểm 1978 tương đương khoảng 40 ngàn đô la ngày nay (2020).