Nhất Tâm Đảnh Lễ Vạn Phật Thánh Thành

Tuyển Tập Nhật Ký và Thư Từ

Hằng Thật và Hằng Triều

Quyển 4

 

Nguyên bàn Anh ngữ:

One Heart Bowing

A Collection of Journals and Letters

by Heng Sure Ph.D. and Heng Ch’au Ph.D.

Published by:

Buddhist Text Translation Society

1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010-4504

© 2007 Buddhist Text Translation Society

Dharma Realm Buddhist University

Dharma Realm Buddhist Association

First edition 2007

Hình ảnh

Welcome Dharma Master Heng Sure and Dharma Master Heng Chau - 11/1979

Các bài nói chuyện trong buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều về đến VPTT (11/1979)

Mục lục

Một nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác

Thật tốt là ông đã không làm qua loa công việc

Ngay thẳng và thiện lành

Hình thức cao nhất của võ thuật

 

Nước mắt chẳng ích gì

Phật Pháp sử dụng ngôn từ nhưng sớm lìa bỏ mọi ngôn từ

Đó là cách khiến chúng tôi phấn chấn lên!

Người đàn ông trên góc phố ở nước Nga

Anh đang ở trên con đường đó, Don!

Hiểu biết thế gian quá nhiều

 

Nguyên nhân gốc rễ của đau khổ

Trồng nấm dưới ghế

Tôi nên có những chỗ chai cứng trên đầu gối

 

Lũ cuốn đá trôi

Khi nào cần nói và khi nào không

 

Điều nguy hiểm nhất mà tôi phải đối mặt

 

Tôi từ chối nhìn lại cô ta một lần nữa

Quý vị sẽ bị nước bắn tung tóe vào mà nước thì vẫn chảy thoát đi

Cẩn thận – Thường xuyên có đá rơi

 

 

 

 

 

 

Tự mình tạo ra

*****

 

 

Tháng Hai, 1978

 

Hằng Triều. Ngày 20 tháng 2, 1978

Một nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác

 

John Blades, một hướng dẫn viên du lịch gần khu đài tưởng niệm di tích lịch sử Hearst San Simeon của tiểu bang, sáng sớm nay dừng lại trên chiếc xe mô tô. “Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem các thầy là kiểu người gì. Điều các thầy đang làm cần phải có một tính cách chân thật và kiên nhẫn, và tôi nhận ra rằng đây là những kiểu người tốt nhất để gần gũi”, anh ta nói. John bỏ chiếc mũ bảo hiểm ra và tiếp tục.

“Công việc của tôi khá tốt đẹp bởi vì những người tôi làm việc cùng đều là những người có tâm tính cởi mở, ‘một đám người cuồng nhiệt’. Chúng tôi cùng giúp nhau cởi mở và hoạt động. Khi tốt nghiệp trung học, tôi là người khá hướng nội, nhưng không quân, trường đại học và một vài những kinh nghiệm khác đã nhanh chóng làm thay đổi điều đó. Tôi thực sự quan tâm vào điều mà các thầy đang làm. Tôi vẫn chưa tìm được lối đi đúng đắn của mình”

" (Nguyện được tay báu dùng tay làm vật bố thí), đầy đủ Bồ tát đạo, thường dang rộng hai tay sẵn sàng bố thí, bước đi an lành dũng mãnh không khiếp sợ”.

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

Thế giới đầy những người như John, những người sẵn lòng “dang rộng hai tay sẵn sàng bố thí”, những người muốn làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa và làm lợi ích cho con người. Họ muốn nới rộng sự giới hạn về tiềm năng của bản thân và dung mãnh bố thí vì hòa bình.

Thế nhưng lại có rất ít những lựa chọn có sẵn. John nhập ngũ không quân, không phải vì anh ta muốn trở thành người lính mà vì khao khát muốn khám phá bản thân và thế giới. Anh ta muốn vươn ra và đi đây đó. Có một nguồn chứa rộng lớn về sự quả cảm và từ bi trong giới trẻ trên thế giới, một nguồn tài nguyên tự nhiên chưa được khai phá đang chờ đợi “một lối đi đúng đắn” để đi theo.

Tại sao không biến tất cả các máy bay ném bom, máy bay chở hàng quân sự, máy bay phản lực và các chiến hạm thành “những con tàu chở người” có thể chuyên chở Đoàn Y Tế Cứu Trợ Thiên Tai (Medical-Disaster Relief Corps) gồm những thanh niên đã được huấn luyện đến bất cứ nơi nào trên khắp thế giới để cứu giúp khẩn cấp? Hoặc là tạo ra một Tổ Chức Môi Trường, gồm những người được đào tạo để làm việc trong tất cả các lãnh vực về việc làm sạch không khí, nước và thực phẩm. Hoặc tạo nên Lữ Đoàn Công Dân Cao Niên, chuyên điều phối các cách thức tự nhiên để đối phó với các vấn đề về chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, cái chết, và sự cô đơn. Hoặc một Tổ Chức Cho Trẻ Em cung cấp những can thiệp về khủng hoảng cho các gia đình, được huấn luyện kỹ càng để giải quyết các vấn đề về lạm dụng trẻ em, trẻ em phạm pháp, trẻ em khiếm khuyết khả năng học tập. v.v… Tiềm năng thật là vô tận.

 

Hằng Thật

Thật tốt là ông đã không làm qua loa công việc

 

Những âm thanh trong tai tôi. Ác tri thức bị thất bại!

Một giọng nói nhỏ rất âm tính vang lên trong tai tôi muốn tôi phá bỏ các thực hành của tôi vào tối hôm qua. “Đừng ngồi nữa. Ông quá mệt mỏi rồi” (Đúng là tôi như vậy). “Đừng ép buộc. Ông cần ngủ. Ông ngồi trong thế liên hoa tọa suốt buổi công phu chiều rồi, thế là đủ rồi đấy. Ông đã đạt được cảnh giới tốt đẹp rồi, sao còn phải làm mình đau như thế nữa?”

Tôi không thích âm thanh của giọng nói ấy. Vì thế, tôi giữ đôi chân mình nguyên chỗ trong thời biểu tối thiểu đã định – một giờ ngồi tập trung cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Cần phải thực hành 42 Pháp Thủ Nhãn hai lần vì buổi trưa nay bị mấy con bọ xâm lấn nên đã ngăn cản việc tụng niệm Thủ Pháp này như thường lệ. Không vấn đề gì.

Giọng nói lại vang lên lần nữa: “Chỉ làm Thủ Pháp, rồi nghỉ. Thế là đủ rồi.” Tôi đã thực sự gần như ngừng lại, nhưng một ý nghĩ về lòng từ bi của Hòa thượng dành cho tôi đã mang lại cho tôi sức mạnh. Tôi nói với chính mình, “Hãy cứ kiên trì như thế, Quả Chân. Chỉ cần lâu thêm một chút nữa thôi thì ông có thể là chân thật. Không giả dối! Hãy trả nợ”.

Một sức nóng rất mạnh và sự đau đớn nổi cuồng nộ lên trong cơ thể tôi ngay khi giọng nói tán tỉnh kia vang lên. Tôi đã không thể dẹp nó ra khỏi đầu – vì thế tôi chọn không lắng nghe nó nữa. Ngay khi cơn đau trở nên thực sự không thể chịu đựng nổi nữa thì tôi nghe thấy ở tai bên kia một đoạn kệ mà tôi đọc được trong buổi giảng Kinh tối.

"Tôi thà riêng mình chịu mọi sự khổ, đem thân chuộc tất cả ác đạo chúng sanh khiến cho họ được giải thoát... "

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

Tại sao tôi lại không thể ngồi yên được? Reeeeeng! Giờ ngồi đã qua. Khi tôi vào trong túi ngủ, tôi nghe thấy một giọng nói khác – tiếng nói của Hòa Thượng – rằng, “Nếu nhân địa không chân thật thì quả sẽ cong vạy”. Thật tốt là ông đã không làm qua loa công việc, Quả Chân. Ông cần phải thực hiện tất cả các công việc phía trước, đừng đi vòng tránh né. A Di Đà Phật!

 

Hằng Triều - 21 tháng 2, 1978

Ngay thẳng và thiện lành

 

Đại dương mù sương giá lạnh từ sáng đến tối. Như lạy trong hư không. Đột nhiên, có một âm thanh vang lên khi một bóng mờ kim loại có màu bay ngang qua và rồi biến mất trong đám mây bông yên lặng, dày đặc vây quanh chúng tôi. Bản chất do duyên hợp và tạm thời của tất cả mọi vật hiện rõ. Mọi thứ xuất hiện và biến mất ngay trước mắt chúng tôi.

Người đàn ông: Cho đến nay điều gì đã thu hút sự chú tâm của các thầy nhiều nhất trong hành trình này?

Sư: Việc lạy.

Người đàn ông: Các thầy có gặp nhiều điều kỳ lạ và có những kinh nghiệm lạ không?

Sư: Tất cả do tâm tạo.

Người đàn ông: Tất cả do tâm tạo sao, thật không?

Sư: Khi tâm trí chúng ta nghĩ tới những ý nghĩ kỳ lạ và khác thường, thì chúng ta sẽ nhìn thấy những thứ khác thường và có những kinh nghiệm kỳ lạ. Còn khi tâm trí chúng ta thẳng thắn và thiện lành thì tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm được cũng đều ngay thẳng và tốt lành.

Người đàn ông: Nhưng các thầy không nhận thức được có rất nhiều những thứ khác sao? Ý tôi là sự chú ý của các thầy không bị cuốn hút bởi những điều xung quanh sao?

Sư: Điều chính yều nhất là ‘xoay ánh sáng trở lại và chiếu sáng bên trong (hồi quang phản chiếu)’. Chắc chắn rồi, chúng tôi nhận ra mọi thứ và bị phân tâm, nhưng đây là nguyên nhân của sự mê lầm. Công việc của chúng tôi là giữ cho tâm trí mình chuyên nhất và vì thế chúng tôi không quá bị hồ đồ mê lầm và bị thổi nghiêng ngã bởi mọi thứ. Khi ấy thế giới sẽ hòa bình thêm một chút.

Người đàn ông: Điều đó thực sự thú vị. Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ về điều này.

“(Tất cả những thứ thậm vi tế như vậy, trong khoảng một niệm đều rõ biết cả mà không lòng kinh sợ), chẳng mê lầm, chẳng tán loạn, chẳng nhiễm nhơ, chẳng ty liệt. Tâm vẫn duyên nơi một, khéo tịch định, khéo phân biệt, khéo an trụ”. (1)

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25

 

"Sắc tức thị không, không tức thị sắc "

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn đoạn Kinh trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25 http://www.dharmasite.net//KinhHoaNghiem25-ThapHoiHuong.htm :

Dùng tâm vô trước vô phược giải thoát an trụ nơi tâm đại hồi hướng Phổ Hiền hạnh, được trí huệ rõ thấu sắc thậm vi tế, thân thâm vi tế, cõi thậm vi tế, thế thậm vi tế, phương thậm vi tế, thời thậm vi tế, số thậm vi tế, nghiệp báo thậm vi tế, thanh tịnh thậm vi tế. Tất cả những thứ thậm vi tế như vậy, trong khoảng một niệm đều rõ biết cả mà không lòng kinh sợ, chẳng mê lầm, chẳng tán loạn, chẳng nhiễm nhơ, chẳng ty liệt. Tâm vẫn duyên nơi một, khéo tịch định, khéo phân biệt, khéo an trụ.

 

Hằng Thật

Hình thức cao nhất của võ thuật

 

Những Diễn Giả Hộ Pháp.

“Chúng ta ở đây giữa Kinh điển – tất cả đều ở quanh chúng ta và chúng ta không thể nhìn thấy điều ấy. Thầy của chúng ta đang làm tất cả mọi thứ để giúp chúng ta thức tỉnh vậy mà chúng ta vẫn còn lầm lỗi, không nhận ra được tổng thể của tất cả các cảnh giới. Tất cả điều ấy đều ở trong Kinh, toàn thể của tâm trí. Nhưng cách duy nhất để đạt được điều ấy là bằng cách thực hành đức hạnh hoàn hảo.

“Thiền là hình thức cao nhất của mọi võ thuật. Quý vị không mắc bất kỳ lỗi lầm nào. Tự vệ là sự cần thiết chỉ khi quý vị tạo ra lỗi lầm và quý vị phải đấu tranh với nghiệp tội của mình.

Võ thuật khiến quý vị cảm thấy tốt đẹp, nhưng tôi lại cảm thấy tốt đẹp nhất sau một quãng thời gian ngồi thiền chăm chỉ tốt đẹp. Thêm vào đó, khi quý vị đạt được điều tốt đẹp ấy, quý vị có thể tự tại và hoàn toàn tự do. Quý vị sẽ không bao giờ thấy được những nụ cười của những nhà võ thuật giống như những nụ cười của những thiền giả.”

" (Bồ-Tát này nhập chánh-định trụ nơi thành-pháp), tư-duy quan-sát tất cả âm-thanh, khéo biết tướng sanh-trụ-dị-diệt của âm-thanh. (Nghe âm-thanh Bồ-Tát này không sanh lòng tham, sân, không mất chánh-niệm, khéo lấy tướng mà không nhiễm trước), biết tất cả âm-thinh đều là không chỗ có, thiệt chẳng thể được,( không có tác-giả, cũng không bổn-tế, đồng với pháp-giới không sai khác) ".

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh thứ 21

 

 

Hằng Triều - Ngày 23 tháng 2, 1978

Nước mắt chẳng ích gì


Một chiếc xe
đầy người tấp lại bên lề đường ngay phía trước chúng tôi. Một phụ nữ bước ra, đi loạng choạng, tay cầm chai rượu. Bà quan sát chúng tôi lạy. Mọi người trong xe trở nên yên lặng. Bỏ chai xuống, bà ấy bước tới chỗ chúng tôi, quỳ xuống và bắt đầu khóc nức nở. Bà ấy quỳ giữa sỏi đá bên cạnh chúng tôi và khóc, ân hận vì đã nghiện rượu và lãng phí đời mình.

Chúng tôi không nói gì nhưng trong tâm chúng tôi muốn nói rằng, “Được rồi. Đừng lãng phí một giây phút nào nữa. Nước mắt chẳng ích gì. Hãy thay đổi, hãy hướng tới điều tốt đẹp và đền ơn lòng từ bi của cha mẹ. Từ nay trở đi, đừng uống rượu nữa, cũng đừng sát sanh hay trộm cắp, đừng nói dối và đừng tà dâm. Nếu bà có thể tránh làm những điều này, thì mọi việc sẽ sớm trở nên tốt đẹp và cuộc đời bà sẽ không uổng phí. Hãy mạnh mẽ và đàng hoàng. Hãy quay lại và trở về với chân tánh thanh tịnh của mình.”

Bà thơ của Đào Uyên Minh (Đào Tiềm), bài “Về Đi Thôi” ” (Quy khứ lai hề) ùa về tâm trí tôi khi người phụ nữ đứng lên lau nước mắt.

Về đi thôi!

Ruộng vườn hoang phế, sao chẳng về!

Tâm bị hình đọa, tỏ đã lâu.

Sao còn sầu muộn, than với lòng?

Lỗi xưa chưa sửa, nay đã thấu.

Mới biết tương lai còn đuổi kịp.

Ấy thật đường mê, chửa dấn sâu.

Rõ rằng: Nay đúng, xưa sai xấu. (1)

 

Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

歸去來兮!

田園將蕪胡不歸,

既自以心為形役,

奚惆悵而獨悲?

悟已往之不諫,

知來者之可追

知來者之可追;

實迷途其未遠,

覺今是而昨非。
 

陶淵 明

 

Quy khứ lai hề!

Ðiền viên tương vu hồ bất quy.

Ký tự dĩ tâm vi hình dịch.

Hề trù trướng nhi độc bi.

Ngộ dĩ vãng chi bất gián.

Tri lai giả chi khả truy.

Thật mê đồ kỳ vị viễn.

Giác kim thị nhi tạc phi.

Đào Uyên Minh

 

Hằng Thật

Phật Pháp sử dụng ngôn từ nhưng sớm lìa bỏ mọi ngôn từ


“Chẳng chấp lấy ngôn ngữ chúng sanh,

Tất cả sự hữu vi hư vọng

Dầu chẳng y tựa đường ngôn ngữ.

Cũng lại chẳng chấp không ngôn thuyết”


Kinh Hoa Nghiêm
. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Phật pháp hiện hữu cho những chúng sanh muốn tìm Thánh Linh trong từng giây phút. Phật pháp sử dụng ngôn từ nhưng sớm lìa bỏ mọi ngôn từ. Kinh điển Phật giáo chỉ ra con đường tới Thánh Đức. Bản thân Kinh điển là một thứ kỳ diệu. Kinh Hoa Nghiêm đang dẫn dắt thầy Hằng Triều và tôi ra khỏi bóng tối. Kinh Hoa Nghiêm là lối đi giúp chúng tôi lần ra khỏi rừng, là con đường để đưa chúng tôi về nhà.

Chúng tôi coi Kinh Hoa Nghiêm như là tấm bản đồ kỳ diệu. Chúng tôi lạy Kinh, tán thán, tôn thờ, cúng dường, đọc, viết và nghiên cứu Kinh. Kinh đã đáp ứng lại, cứ như phép thuật vậy. Đó là trí tuệ cổ xưa nhất trên hành tinh.

Kinh Hoa Nghiêm đã tồn tại bao lâu rồi? Trí tuệ của Kinh đã dẫn dắt chúng sanh nhận ra “sự giao tiếp ngọt ngào và thần bí” với Phật tánh của chính họ từ bao lâu rồi? Khi một đức Phật xuất hiện trên thế gian, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta chẳng hạn, Ngài luôn thuyết Kinh Hoa Nghiêm trước tiên ngay sau khi giác ngộ. Đã có bao nhiêu đức Phật rồi? Có vô lượng chư Phật. Trong bao nhiêu thế giới? Trong vô vàn, không tính xuể số lượng các thế giới. Thời gian và không gian không còn nữa. Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt " (Đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt).

Kinh Hoa Nghiêm thì cổ xưa. Pháp của Kinh thì vi diệu, chỉ dẫn chúng tôi tới Thánh Đức trong mọi thứ. Bồ tát nói rằng:

“…Chẳng trụ thế pháp,

thích đạo xuất thế,

 … trụ nơi thiệt kế không tướng.

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Hằng Triều - Ngày 24 tháng 2, 1978

Đó là cách khiến chúng tôi phấn chấn lên!

 

Trong lớp sương mù của buổi sáng sớm, chúng tôi đổ đầy những bình nước từ chiếc vòi nước bên ngoài bưu điện trong một ngôi làng nhỏ của vùng Harmony, dân số 18 người. Mọi người vẫn còn đang ngủ.

Ông cành sát Ray Connelly sáng nay dừng lại. “Các thầy có thể viết cho chúng tôi vài dòng khi về tới Vạn Phật Thánh Thành và cho chúng tôi biết nếu mọi việc đều tốt đẹp được không?” anh ta hỏi. Anh ta trả lời một cuộc gọi qua máy vô tuyến rồi nói:

“Tôi thực sự thấy nhỏ bé trước những gì các thầy đang làm. Việc này đòi hỏi rất nhiều sự chịu đựng và quyết tâm. Tôi không nghĩ mình có thể làm được như vậy ”.

Sư: “Chắc chắn là anh cũng có thể. Ai cũng có thể làm được”.

Cảnh sát: “Các thầy thực sự phấn chấn vì điều đó phải không?”

Sư: “À, chúng tôi nghĩ về việc làm này vì tất cả  chúng sanh. Như thế sẽ dễ dàng hơn. Đó là lý do khiến chúng tôi thấy phấn chấn! Nếu anh suy nghĩ theo cách đó, thì anh có thể làm bất cứ việc gì”.

Bồ tát nghĩ rằng:

 Nguyện những thiện căn này có thể khắp lợi ích tất cả chúng sanh đều làm cho thanh tịnh đến nơi rốt ráo, lìa hẳn vô lượng khổ não ….”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.


Cảnh sát: "
Tôi là người có niềm tin chắc chắn về điều đó. Khỏi cần phải nói, các thầy có được sự ủng hộ hoàn toàn của tôi và của rất nhiều người khác nữa. Tất cả họ đều muốn biết là mọi việc đều tốt đẹp cả”.

Sư: “Mọi việc đều tốt đẹp mà”.

Cảnh sát: “Vậy thì gặp lại các thầy sau và xin giữ liên lạc”.

 

Hằng Triều. Ngày 25 tháng 2, 1978

Người đàn ông trên góc phố ở nước Nga

 

Don và Gail Depue cùng với cô con gái nhỏ Tracy đã dừng lại cúng dường và chúc chúng tôi có cuộc hành trình tốt đẹp. “Đang có những người an lạc ở đây”, bà Depue nói với cô con gái.

Gia đình Depue đến từ Cambria, một thị trấn nhỏ về phía bắc của nơi chúng tôi. Họ là những người trung thực và sống thẳng thắn, biểu hiện của đạo đức và những giá trị truyền thống, những thứ dường như đang suy giảm nhanh chóng trong thế giới tân thời này.

“Theo cách mọi thứ đang diễn ra trên thế giới thì chắc chắn chúng ta rất cần những nỗ lực theo hướng mà các thầy đang thực hiện, càng nhiều chừng nào mà chúng ta có thể có được”, Don nhận định.

Chúng tôi đang dọn dẹp sau bữa trưa, Don nói chuyện trong khi tôi đang rửa chén dĩa trên tấm nắp đậy phía sau xe . Gail và Tracy ngồi trong những đám hoa dại cạnh một cánh đồng có hang rào chắn và yên lặng quan sát thầy Hằng Thật bắt đầu lạy.

 

“Tôi không nghĩ lại có một người nào, tôi không quan tâm là họ ở đâu trên thế giới này – một người ở trên góc phố nước Nga – mà  chẳng muốn có hòa bình và hạnh phúc trong cuộc đời mình. Nhưng tôi không hiểu làm thế nào mà có những người để cho những người lãnh đạo của đất nước họ gây ảnh hưởng lên một số điều họ làm nếu như những người này thực sự không muốn thế”, Don nói.

“Phải, người Mỹ không muốn có vụ bê bối chính trị Watergate, nhưng dù sao nó cũng đã xảy ra rồi”, tôi nói. “Đúng vậy”, Don đáp lại.

“Nó phải bắt đầu với cái nhỏ bên trong mỗi chúng ta, rồi trong gia đình, thành phố và quốc gia trước khi có nền hòa bình lâu dài”.

Don nhìn vợ con đang chơi đùa trên thảm cỏ và cười, nói: “Đó là sự khởi đầu nhỏ bé của chúng tôi đối với nền hòa bình thế giới”.

“Nhân lành thì quả sẽ tốt”.

“Thầy biết đấy, nếu có xảy ra thì nó sẽ xảy ra theo cách đó, đúng vậy không?” Don nói. “Nó bắt đầu ngay từ bên trong”.

 

“Dứt trừ tất cả những tâm độc,

Tư duy tu tập trí vô thượng,

Chẳng vì tự mình cầu an lạc,

Chỉ nguyện chúng sanh được lìa khổ”

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

  

 “Điều đó cũng vui nữa. Chúng tôi đang có một khoảng thời gian tuyệt vời để từ bỏ những thói quen xấu và thanh lọc tâm hồn”, tôi nói.

“Tôi biết!” Don thốt lên và nhe răng cười. Tôi ước là chúng tôi có thể bắt đầu lại”.

"Anh có thể bắt đầu bất cứ lúc nào."

Gail và Tracy bước tới.

“Tracy muốn ở lại. Nơi đây thật thoải mái”, Gail nói.

“Tôi biết”, Don đáp lại. “Thật tuyệt vời!”

“Thầy có nhận thấy rằng có rất nhiều người muốn ở quanh thầy chỉ bởi vì nó rất an lạc không?”, cô Depue hỏi.

“Không phải vì chúng tôi đâu, mà là điều của việc bái lạy này đại diện cho đã khiến những người đó muốn ở chung quanh. Việc bái lạy này dường như nhắc mọi người nhớ về một điều gì đó họ có trong tâm họ.”

 

Trong tất cả các thế giới mười phương

Tu tập đầy đủ hạnh thanh tịnh

Công đức như vậy đều hồi hướng.

Vì muốn an lạc các chúng sanh”.

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Hằng Thật

Anh đang ở trên con đường đó, Don!

 

"… tùy thuận Pháp tánh tịnh tịch bất diệt, khiến họ được vĩnh viễn an ổn khoái lạc”.

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hạnh thứ 21

Don và Gail cùng cô con gái nhỏ của họ dừng lại bên ngoài Cayucos cúng dường và chúc chúng tôi may mắn. Don làm nghề bán bảo hiểm ở Cambria. Anh ta mặc bộ quần áo kiểu nông trại và tóc cắt ngắn sát. Vẻ bề ngoài và phong cách của Gail thì đích thực là người Mỹ thuần tuý. Họ là những người dân nông thôn tốt, chân thật và cởi mở.

"Nếu được nơi thế gian

Trọn xa lìa chấp trước

Vô ngại lòng hoan hỷ

Nơi Pháp được khai ngộ"

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán Thán thứ 24

 

Một tuần sau, Don lại tới thăm chúng tôi. Cuộc nói chuyện ban đầu vui vẻ, nhưng rồi nhanh chóng thấy rõ là Don đang lo lắng điều gì đó.

Thầy Hằng Triều:"Anh làm công việc gì hả Don?"

Don:"Tôi đã làm nhiều việc khác nhau. Hiện tại tôi đang thất nghiệp. Tôi đã dạy học ở trường trung học

trong nhiều năm vì tôi muốn phụng sự thế giới. Thật thất vọng. Những gì đang diễn ra ở trường học công cộng ngày nay là hoàn toàn sai lầm. Tôi đã không"làm tốt” ở đó. Tôi cùng cha tôi buôn bán bất động sản rồi chuyển sang nghề bán bảo hiểm. Tận thâm tâm, tôi muốn có một thế giới không cần bảo hiểm, nhưng tôi tin tưởng vào sản phẩm tôi bán. Thái độ của tôi là bán nó như thể bán cho chính gia đình của tôi vậy”.

Hằng Triều:"Đó là cách nhìn hiếm hoi trong thế giới kinh doanh”

Don:"Tôi hoàn toàn đồng ý. Đó là vấn đề của tôi. Tôi không hợp làm nhân viên bán hàng. Tôi sẽ không chịu làm bất cứ việc gì nếu tôi phải bớt đi sự trung thực và liêm chính. Kinh doanh không cần đến loại người như tôi. Tôi thực sự ganh tị với hai thầy. Làm thế nào mà các thầy có thể buông bỏ tất cả và đi theo tiếng gọi bên trong !".

Hằng Triều :"Thế nên anh đã bỏ việc hả?"

Don :"Thầy đoán được rồi đấy. Tôi phải nghỉ việc. Tôi nói với họ rằng, ‘Này các bạn, đủ rồi. Tôi không thể tham gia vào việc này thêm nữa’. Cuối cùng tôi nhận ra rằng nếu điều mình làm không xuất phát từ bản tính chân thật của mình thì mọi hành vi mình làm chỉ toàn là sai lầm mà thôi".

Hằng Triều :"Chà, anh thật may mắn vì đã hiểu được điều đó! Hầu hết mọi người không bao giờ biết tại sao mình không hạnh phúc. Họ không bao giờ tìm đường cho mình bằng cả trái tim. Chúng tôi cũng đã từng như thế – chỉ là sự dịch chuyển từ nơi này sang nơi tiếp theo, luôn luôn tìm cách có được những điều trọng yếu nhất của cuộc đời. Đó là lý do tại sao chúng tôi xuất gia. Chúng tôi đến với Đạo Phật vì tu viện không phải là nơi cách ly thế gian, mà đó là nơi ta có thể đi đúng hướng."

Don :"Bao nhiêu năm nay tôi làm mọi thứ có thể được để tránh nhìn vào những gì không có trong cuộc đời mình. Còn thiếu thứ gì đó. Những cặp vợ chồng trẻ tôi bán bảo hiểm cho… Tất cả những người tôi biết đều có cùng sự hoài nghi, một tình trạng bất ổn tương tự. Họ biết rằng nó không phải vậy, nhưng họ không có cách nào cã để bắt được âm thanh đó ở bên trong . Đó là điều khiến tôi quyết định từ bỏ, để nghe âm thanh ấy, nhưng tôi vẫn thực sự không biết phải làm sao. Tôi đã thực hiện một bước tiến lớn, nhưng tôi cần một cách thức để giữ cho nó sinh động trong khi bụi trần được lắng xuống. Đôi khi, tôi sợ rằng mình không có đủ tự do để lắng nghe".

Hằng Triều :"Anh đang ở trên con đường đó, Don. Giờ anh cần phải chăm chỉ và kiên nhẫn".

Don :"Nhưng làm sao thầy có thể vẽ được lằn ranh giữa trách nhiệm và sự ràng buộc đây? Gia đình tôi phụ thuộc vào tôi. Đây không  không phải là quyết định đơn giản đâu. Chúng ảnh hưởng tới rất nhiều người".

Hằng Triều :"Chắc chắn rồi. Anh phải nên đi từng bước một. Mình không thể huỷ hoại cái gì cả".

Don :"Chắc chắn rồi. Tôi phải giải quyết những vấn đề của tôi cho xong không thôi sau này lại phải đối mặt lại với những vấn đề này. Nếu tôi từ bỏ, thì sau này tôi sẽ phải trả giá vì lặp lại những sai lầm đó. Nếu bây giờ tôi không đảm nhận trách nhiệm của mình, thì tôi sẽ chỉ khiến mọi việc phức tạp lên và bị lún sâu thêm mà thôi".

Hằng Triều :"Don, anh có cách nhìn của Đạo Phật về cuộc sống. Anh đang mô tả quá trình của luật nhân quả".

Don :"Một mặt, tôi phải thành thật với những gì thực sự trong tôi, nhưng tôi cũng phải chăm sóc gia đình… Làm sao tôi biết được rằng  tôi đang nghe âm thanh thật của chính mình?"

Hằng Triều :"Nó ở chính ngay chỗ đó, to và rõ ràng, nhưng chúng ta chọn cách không lắng nghe bởi vì chúng ta quá bám chấp".

Don : "Cuối cùng thì, tôi muốn hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi người chứ không phải cho riêng mình tôi. Tôi thực sự muốn làm điều đúng đắn. Ngay lúc này đây tôi chắc chắn có thể sử dụng một phương thức để bắt được tần số với con người chân thật của mình và tìm ra con đường đúng đắn".

Thầy Hằng Triều ghi tên của Bồ tát Quán Thế Âm lên một tấm thiệp và đưa cho Don. Thầy ấy giải thích phương pháp niệm danh hiệu Bồ tát và nói với Don về những lời nguyện và lòng từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm.

Don rất hăng hái và ngay lập tức cảm thấy gần gủi với vị Bồ tát này. Anh ta niệm tên Bồ tát khi lái xe đi. Vài tuần sau, chúng tôi gặp lại Don. Anh ta cúng dường và khuyên chúng tôi đôi điều về tình trạng con đường phía trước. Anh ta trông thật hạnh phúc và hân hoan.

Don :"Tôi có một công việc mới là dạy học – và mọi thứ dường như đang tiến triển tốt đẹp nhất. Thầy biết không, một điều thú vị đã xảy ra vào một đêm khi tôi đang ngồi thiền. Tôi nhìn rõ một khuôn mặt hiện ra ngay trước tôi, một ông  lão nhân từ với mái tóc bạc trắng và một bộ râu. Một kiểu cảnh giới không thường thấy".

Hằng Triều :"Thực sự rất vui khi nghe được những sự việc đang tiến triển tốt đẹp hơn, Don. Có rất nhiều cảnh giới hiện ra khi ngồi thiền. Đừng lo lắng về chuyện đó".

Cả thầy Hằng Triều và tôi đều vui khi gặp lại Don và gia đình anh ấy. Chúng tôi thật may mắn khi gặp được Phật Pháp trong đời này và việc chia sẻ niềm hân hoan ấy với mọi người là niềm hạnh phúc chân thật.

Không dễ đối mặt với mọi khủng hoảng trong cuộc sống.

Don có can đảm để ra ngoài đường xa lộ và nói chuyện cởi mở về quãng thời gian khó khăn của mình. Như thầy Hằng Triều đã nói với họ, công việc mà các Phật tử làm nhắc nhở mọi người về những điều tốt đẹp nhất ở trong chính họ. Don đã thực sự đang đi trên con đường trở về với hạnh phúc chân thật, nhưng đôi khi nhìn thấy những người khác đang đi trên con đường ấy cũng giúp chúng ta. Nó giúp chúng ta nhớ lại và quay trở về.

 

Hằng Triều - Ngày 26 tháng 2, 1978

Hiểu biết thế gian quá nhiều

 

"Nạn khó khăn do thông minh thế gian."

Một sinh viên trẻ của ngành Tôn giáo đối chiếu thuộc một trường đại học nổi tiếng tiếp cận chúng tôi khi đang lạy tại một vùng quê rộng mở.

 “Tôi biết là mình cần phải thực sự đi làm điều đó! Ông biết không, tôi đã đọc và học quá nhiều, nhưng tôi lại thực sự không biết gì cả. Ý tôi là, tất cả chỉ là thỏa mãn kiến thức. Tôi đã bắt đầu thử nghiệm với "các loại thuốc kích mở tâm trí’, và tôi nhận ra rằng tất cả những sách tôi học đều là giả dối. Có một con đường dẫn tới trí huệ tối thượng và giác ngộ bên trong mà không một cuốn sách nào có thể đem đến cho tôi. Ma túy cũng không đem lại điều đó. Vì thế tôi đã bắt đầu ngồi thiền và, phải rồi, tôi cảm thấy muốn dừng lại chỗ này và nói rằng tôi hiểu chút ít về việc các thầy đang làm và biết rằng đây là con đường đúng đắn. Tôi chỉ mới bắt đầu. Tôi muốn tìm một vị thầy” anh ta nói. “Tôi nghe nói Phật tử các Thầy có một trường đại học ở Ukiah mà ở đó, giáo lý từ sách và sự tu tập về tâm linh được thực hiện với nhau. Đó là phương pháp nên làm như thế. Tôi đã thấy nếu chỉ nghiên cứu Đạo thôi thì kết cục chỉ là sự bế tắt. Tôi cần phải thực sự làm chứ không phải chỉ cứ nói luôn miệng về điều đó”.

“Nơi Pháp chẳng tu hành

Đa văn cũng như vậy.

Như điếc tấu âm nhạc

Người nghe mình chẳng nghe

Nơi Pháp chẳng tu hành

Đa văn cũng như vậy”

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ 10

 

Có tám trường hợp khó có thể ”gặp được” Pháp hoặc là tu hành theo (1), cho dù quý vị có muốn đi nữa. Cái khó thứ bảy trong tám cái này là nạn thế trí biện thông (khó khăn do hiểu biết thông minh thế gian quá nhiều).. “Sự thông minh” này rất được trân quý ở trường đại học và là chìa khóa dẫn đến sự nghiệp thành công sau này. Nó là khả năng tranh luận và trình bày vấn đề khôn ngoan hơn, để phân biệt và tranh luận. Tuy nhiên, trí tuệ thế gian này không phải là trí tuệ xuất thế gian và vì thế dù quý vị có thông minh đến thế nào đi chăng nữa, nếu không chân chính tu hành, thì sẽ không có tự do giải thoát thực sự.

Phương cách của người xuất gia là du hành với hành lý gọn nhẹ tối thiểu: không ràng buộc và không nhà cửa, như hươu nai và như gió trong không gian.

 

“Nguyện tất cả chúng sanh lìa hẳn nghiệp nhà, ít muốn, biết đủ, không chứa để của cải”

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25

 

Ghi chú:

(1) Eight Difficulties - Bát Nạn.

八難: 盲聾瘖啞難, 佛前佛後難、北俱盧洲難、長壽天難、世智辯聰難、地獄難、餓鬼難、畜生難,總起來有八種。http://www.drbachinese.org/vbs/publish/316/vbs316p017.htm

Bát nạn:  (1) Manh lung âm ách nạn,  (2) Phật tiền Phật hậu nạn, (3) Bắc Cu Lô Châu nạn, (4) Trường Thọ Thiên nạn, (5) Thế Trí Biện Thông nạn、(6) Địa Ngục nạn. (7) Ngạ Quỷ nan、(8) Súc Sanh nạn.

Tám nạn khó học Phật: (1) Mù điếc cạm ngọng,  (2) Sanh trước Phật hay sau Phật, (3) Sanh ở vùng Bắc Cu Lô Châu (nơi không có Phật Pháp), (4) Sanh ở cõi trời Trường Thọ, (5) Có Thế Trí Biện Thông (thông minh thế gian), (6) Sanh ở Địa Ngục, (7) Sanh loài Ngạ Quỷ, (8) Sanh loài Súc Sanh.

 

 

Tháng Ba, 1978

 

 

Hằng Triều - 01 tháng 3 năm 1978

Nguyên nhân gốc rễ của đau khổ

 

Rõ biết tất cả các thế gian

Cùng chân như tướng tánh bình đẳng

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25

 

Tất cả  chúng sanh là một phần của Kinh Hoa Nghiêm. Kinh là trái tim chân thật của tất cả  chúng sanh. Toàn bộ Pháp giới là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; lvũ trụ, Kinh này và mỗi  chúng sanh đều là một lúc khời thủy, không phải là hai hay ba.

Toàn bộ thế giới là Hoa Nghiêm Kinh; mỗi người là một chương, mỗi một kinh nghiệm là một đoạn nhỏ trong chương sách. Phật pháp vi diệu luôn được diễn nói khắp nơi quanh chúng ta và qua chúng ta, khắp mọi nơi và cùng lúc.

Sâu, rộng và dung thông,

Rộng, lớn và viên mãn

Chắc chắn đây phải là:

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh!

Phần mở đầu – Quốc sư Thanh Lương

 

Bên trên nỗi đau

Khi không thể chịu đựng nổi sự nhọc nhằn của việc tu hành nữa, tôi nghĩ : Sự ra đời của mình gây ra nỗi đau cho mẹ. Để nuôi mình lớn, cha mẹ phải hy sinh và lo lắng. Sự ích kỷ và những thói quen xấu của mình đã khiến gia đình và bạn bè khổ sở nhiều. Sự thiếu thành tâm và lợi dụng người khác khiến cho những người khác bị tổn thương trong lòng rất nhiều. Những bám chấp, mê mờ và thói xấu tâm ý của tôi đã sinh ra sự thất vọng và bất an cho những ai mà tôi gần gũi nhất. Giờ đây, là một nhà sư, tôi lại phá các giới luật, ngạo mạn và khó dạy bảo, làm việc tầm thường trong việc đại diện cho oai nghi tuyệt vời và từ bi của một người xuất gia. Việc này làm tổn thương tới Sư phụ và các bạn đạo của tôi.

Vì thế, điều tối thiểu nhất tôi có thể làm là vui vẻ chịu đựng một chút sự khó nhọc đến trên đường đạo của tôi để cố gắng và đền bù lại tất cả những nỗi đau mà tôi đã gây ra cho thế giới.

 

"Đau khổ là một cảm thọ".

Cảm giác đau khổ đơn giản chỉ là một cảm giác khác mà thôi. Mọi cảm thọ cơ bản đều là trống rỗng. Chúng đến và đi, khi quý vị tìm kiếm chúng, sẽ không thể thấy chúng đâu.

" đại Bồ tát không lòng động loạn, chỉ chính niệm tam thế chư Phật, lòng hoan hỷ thêm lớn chí nguyện, khéo hiểu các Pháp chẳng thấy đau khổ, rõ biết sự khổ vốn vô tướng vô sinh, khổ vui thay nhau không có thường trụ, thực hành hạnh đại xả đồng với Tam thế Bồ tát, phát tín nguyện sâu cầu Nhất thiết trí không thối chuyển… "

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25

Cả cuộc đời là khổ, một cái "cây khổ" lớn. Đâu là nguyên nhân gốc rễ của sự đau khổ ? Thiếu hiểu biết (Vô minh). Sự thiếu hiểu biết đang bám chấp vào cách nhìn về bản thân (ngã kiến). Vì thế có câu rằng : 

"Vì chẳng tỏ ngộ nơi đệ nhất nghĩa đế nên gọi là vô minh"

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa thứ 26 – Địa thứ 6.

Đệ nhất nghĩa đế (chân lý) là cái chân lý không có tự ngã. Không có ngã thì không có hành vi tạo tác. Không hành vi tạo tác thì chẳng có nghiệp do mê mờ và không có quả báo về những đau khổ nặng nề do nó tạo ra. Nếu không có cái ngã thì chẳng có chuyện gì cả, sẽ tự tại và thoải mái, chẳng bám chấp vào đâu cả. Bởi vì,

"Trong đệ nhất nghĩa đế hoàn toàn bất khả đắc"

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa thứ 26 – Địa thứ 6.

 

 

Hằng Triều - Ngày 05-06 tháng 3, 1978

Trồng nấm dưới ghế

Los Angeles - San Luis - Cambria.

 

Sư Phụ hỏi chúng tôi có muốn đi cùng Ngài trong chuyến hoằng Pháp tới Malaysia vào mùa hè này không. Chúng tôi đồng ý.

Chúng tôi dự trữ thực phẩm do các môn đệ ở thành phố Los Ageles cung cấp và lái xe trên xa lộ “cây nho” trở lại Cambria. Thầy Hằng Cụ đang lái chiếc xe Chevy đời 1956 mà thầy ấy “chắc chắn đã sửa xe” sáu lần trên đường. Thầy Hằng Thật và tôi thay phiên nhau lái chiếc xe buýt VolksWagen. Phải đi vòng rất nhiều và chờ đợi do ngập lụt và các con đường bị tràn nước. Ăn trưa trên lối ngang đường rầy xe lửa vùng hẻo lánh chạy qua con đường vòng vùng quê. Thật yên tĩnh, ngoại trừ âm thanh tiếng kềm vặn trên kim loại mà thầy Hằng Cụ đang làm việc với chiếc xe Chevy. Thầy Hằng Cụ nói: “Tôi nghĩ bây giờ tôi sửa được rồi”.

Lái xe tới nhà của Ireland ở San Luis. Bill Ireland hàn chiếc bản lề của chiếc cốp sau xe trong khi thầy Hằng Cụ điều chỉnh động cơ xe. Nước sô cô la nóng, hàn điện, dầu mỡ bôi trơn, và cả một sân đầy những mẩu kim loại phế thải. Nấm đang mọc lên dưới các ghế xe do ẩm ướt.

Bill Ireland nâng chiếc kính hàn lên để nhìn ảnh Bồ tát Quán Thế Âm và ảnh của Hòa thượng được treo bên trong xe.

“Các thầy biết không, Hòa thượng Trụ Trì lúc nào trông cũng rất thân thuộc, thật là điều kỳ lạ!".

 

Hằng Thật

Phật Pháp sử dụng ngôn từ nhưng sớm lìa bỏ mọi ngôn từ

 


“Chẳng chấp lấy ngôn ngữ chúng sanh,

Tất cả sự hữu vi hư vọng

Dầu chẳng y tựa đường ngôn ngữ.

Cũng lại chẳng chấp không ngôn thuyết”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Phật pháp hiện hữu cho những chúng sanh muốn tìm Thánh Linh trong từng giây phút. Phật pháp sử dụng ngôn từ nhưng sớm lìa bỏ mọi ngôn từ. Kinh điển Phật giáo chỉ ra con đường tới Thánh Đức. Bản thân Kinh điển là một thứ kỳ diệu. Kinh Hoa Nghiêm đang dẫn dắt thầy Hằng Triều và tôi ra khỏi bóng tối. Kinh Hoa Nghiêm là lối đi giúp chúng tôi lần ra khỏi rừng, là con đường để đưa chúng tôi về nhà.

Chúng tôi xem Kinh Hoa Nghiêm như là tấm bản đồ kỳ diệu. Chúng tôi lạy Kinh, tán thán, tôn thờ, cúng dường, đọc, viết và nghiên cứu Kinh. Kinh đã đáp ứng lại, cứ như phép thuật vậy. Đó là trí tuệ cổ xưa nhất trên hành tinh.

Kinh Hoa Nghiêm đã tồn tại bao lâu rồi? Trí tuệ của Kinh đã dẫn dắt chúng sanh nhận ra “sự giao tiếp ngọt ngào và thần bí” với Phật tánh của chính họ từ bao lâu rồi? Khi một đức Phật xuất hiện trên thế gian, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta chẳng hạn, Ngài luôn thuyết Kinh Hoa Nghiêm trước tiên ngay sau khi giác ngộ. Đã có bao nhiêu đức Phật rồi? Có vô lượng chư Phật. Trong bao nhiêu thế giới? Trong vô vàn, không tính xuể số lượng các thế giới. Thời gian và không gian không còn nữa. Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt " ( Đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt )

Kinh Hoa Nghiêm thì cổ xưa. Pháp của Kinh thì vi diệu, chỉ dẫn chúng tôi tới Thánh Đức trong mọi thứ. Bồ tát nói rằng:

“…Chẳng trụ thế pháp,

thích đạo xuất thế,

 …, trụ nơi thiệt kế không tướng.

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

 

Hằng Triều - Ngày 04 tháng 4 năm 1978

Tôi nên có những chỗ chai cứng trên đầu gối

 

Tu Đạo đòi hỏi sự cống hiến và nhiệt huyết thật khó tin nổi. Nhưng người ta có thể dễ bị quá quan tâm đến mình mà quên cười. Tánh khôi hài giúp rất nhiều trong cuộc đời này và thường là vị thầy có ảnh hưởng nhất.

Ví dụ, có một vị sa di ni trẻ, vị này thường làm cháy nồi trong khi nấu ăn rồi bỏ đó không cọ rửa nồi. Mọi người đã yêu cầu cô ta rất nhiều lần về việc cọ rửa nồi, nhưng cô ta chẳng màng để tâm đến và tiếp tục để cho cái bếp thật bừa bãi. Vì thế mà tất cả những người tu hành phái nữ khác đã cùng nhau nhịn ăn hồi hướng cho vị sa di ni đó. Họ thậm chí còn niệm Hồng danh Phật cho cô ta trong khi mang đi những nồi chưa rửa, và điều này cuối cùng đã khuyến khích cô ta tự dọn dẹp sạch sẽ.

 

***

 

Tôi nói quá nhiều (cả bên trong tâm lẫn bên ngoài) và viết cũng quá nhiều. Nếu tôi có thể tu hành với nỗ lực đúng đắn, thì tôi nên đi mòn đôi giày của mình trước khi cây viết hết mực; và nên có những chỗ chai cứng trên đầu gối và mạng nhện trên lưỡi của mình. Vì thế có câu rằng,

“(Bồ tát này phát tâm tinh tấn cần cầu Phật Pháp như vậy, như chỗ đã được nghe mà suy ngẫm tu hành.

Bồ tát này khi đã nghe pháp liền nhiếp tâm an trụ nơi chỗ vắng lặng suy nghĩ rằng:)

Như lời Phật dạy tu hành mới chứng được Phật Pháp, chẳng phải chỉ miệng nói mà thanh tịnh được”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập địa thứ 26

 

 

Hằng Thật - Ngày 06 tháng 4 năm 1978

Lũ cuốn đá trôi

 

Một tấm bảng nhựa chịu mưa trang trí hang chữ “Thành phố Los Angeles, đường đang bảo trì” được mua giá rẻ tại chợ bán đồ sĩ dư thừa. Chiếc mũ len màu xanh bọc sát đầu quấn chặt quanh tai. Chuẩn bị … một… hai … và một cú nhảy nhanh qua thầy Hằng Triều để hòa vào trời mưa như trút nước, 7:30 sáng, bầu trời xám xịt và một thế giới đầy nước đang chào đón những vị khách hàng hương gan dạ.

Quả Trai từng làm việc ở hãng đường ống Alaska; điều này có nghĩa là thời tiết chẳng ảnh hưởng gì tới anh ấy. Thầy Hằng Triều đang di chuyển từng chút một chiếc Plymouth lên con dốc nghiêng 45º, nước mưa bắn tóe ra hình cánh quạt như những chiếc đuôi gà trống từ mấy cái bánh xe. Con đường quá dốc để lạy; chúng tôi nhọc nhằn tiến về phía trước được một bước rồi bị trượt lại hai bước vào những lề đường đầy bùn. Tại khu vực bằng phẳng đầu tiên của con dốc, tôi tìm ra 6 viên đá lớn để tính số lễ lạy. Tính ra là tám mươi lạy để lên được nơi ấy. Hoàn cảnh thật khó khăn – nước lũ cuốn những viên đá trôi theo trong khi mặt tôi lại hướng xuống dưới đất. Lại phải đứng dậy, tôi lạc mất số đếm. Nước mưa chảy vào tay áo, ngấm vào từng lớp vải, nước ngập đôi găng tay cao su của tôi. Kiên nhẫn! kiên nhẫn! Chỉ tức giận trong một sát na thôi tại thời điểm này thì cũng có thể khiến cho thế giới bị diệt vong. Vui vẻ chiu đựng thì sẽ chuyển những thử thách này thành những điều khám phá. Những cơn mưa mùa xuân là nền tảng chứng minh cho đạo lý chân thật.

“(Bồ Tát bị sự bức khổ vô cùng này, sắp phải chết, tự nghĩ rằng): tôi nhân sự khổ nhục này, nếu lòng động loạn thời là tự chẳng điều phục, tự chẳng giữ gìn, (tự chẳng sáng suốt, tự chẳng tu tập), tự chẳng chánh định, (tự chẳng tịch tịnh, tự chẳng ái tích, tự sanh chấp trước), thời đâu có thể làm cho người khác được lòng thanh “

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hạnh thứ 21.

 

 

Hằng Triều. Ngày 6 tháng 4, 1978

Khi nào cần nói và khi nào không

 

Cảm giác thật tốt đẹp khi không nói chuyện và buông lời khó chịu. Hầu hết mọi ngôn từ của tôi là trống rỗng. Tôi trốn lánh sau những ngôn từ ấy. Tôi không bao giờ nhận ra điều này cho tới khi tôi ngừng nói chuyện. Nhưng cũng có lúc cần nói chuyện. Chúng ta tu hành Trung Đạo, điều ấy có nghĩa là, không bám chấp vào cái như thế; không rơi vào cái không như thế. Đừng dựa vào ngôn từ và lời nói; nhưng cũng đừng phủ nhận chúng. Trong Đạo Phật, mọi thứ đều hữu dụng; vạn vật đều có chỗ dụng. Tất cả đều tùy thuộc vào quý vị sử dụng chúng như thế nào. Hầu hết chúng ta sử dụng ngôn từ vào những chuyện tầm phào và nói nhảm. Ngôn ngữ tự bản thân chúng không trống rỗng, chính lời phù phiếm là giả tạo. Bồ tát có thể sử dụng cùng một số ngôn từ như kẻ điên rồ dùng và có thể khiến cho người ta khai ngộ. Vì thế có câu rằng,

“Chẳng chấp lấy ngôn ngữ chúng sanh,

Tất cả sự hữu vi hư vọng,

Dầu chẳng y tựa đường ngôn ngữ,

Cũng lại chẳng chấp không ngôn thuyết.

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

***

 

Mưa, lạnh, gió mạnh và những vách đá dựng đứng. Rất nhiều những cây sồi độc, không giao tiếp, chỉ có những cái nhìn chằm chặp đầy ngỡ ngàng từ những người đi qua đường.

Trong suốt buổi đọc Kinh Hoa Nghiêm tối qua, bên ngoài trời gió hú, có tiếng gõ cửa xe, cửa mở ra và một cánh tay đưa tới cúng dường mấy quả cam sạch mới hái được bọc trong tấm khăn lụa. Không thấy mặt của người ấy.

Chúng tôi đã đi tới ranh giới của quận hạt Monterey. Không phố, không người, chẳng có nơi nào để nương vào chỉ trừ có Phật pháp và sự nhất tâm. Đêm nay, chúng tôi đọc phẩm “Thập Hồi Hướng”.

“Bồ Tát chuyên tâm niệm chư Phật

Trí huệ vô thượng phương tiện khéo

Như Phật tất cả không sở y,

Nguyện tôi tu hành công đức này.

Chuyên tâm cứu hộ tất cả chúng,

Khiến họ xa lìa các nghiệp ác,

Như vậy lợi ích các chúng sanh,

Chuyên niệm, tư tuy chưa từng có,…”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

 

Hằng Triều - Ngày 12 tháng 4 năm 1978

Điều nguy hiểm nhất mà tôi phải đối mặt

 

Cái thị trấn này đúng như một bức tranh phong cảnh cổ xưa của Trung Hoa: những luồng gió quẩn quanh rồi thổi vụt lên những ngọn núi phủ đầy sương mù và những thân cây xoắn lại, có chỗ gờ lên; những nhà sư đang lang thang tản bộ trên những lối đi hẹp. Đơn độc, không chướng ngại, thực sự đang về nhà.

Điều nguy hiểm nhất mà tôi phải đối mặt trên hành trình này chính là những thói quen xấu của mình. Chẳng có gì bên ngoài tồi tệ hơn sự ngạo mạn của chính bản thân tôi; chẳng có gì nguy hại hơn sự tham lam, giận dữ và ngu ngốc của chính bản thân tôi.

Lạy là một bước nhỏ để làm sạch thế giới trong tôi và nhẹ nhàng kết hợp lại với thế giới bên ngoài – không phải thế gian bụi bặm này, mà là thế giới thường trụ “luôn luôn như vậy”, thế giới thanh tịnh, được cho là hòa nhập và trộn lẫn một cách hoàn hảo với thế giới bụi bặm này. Khi tâm trí thanh tịnh, thì có thể thấy nó giống như hoa sen trong biển hương thủy.

“Hoa Tạng thế giới hải

Pháp giới đồng không khác

Trang nghiêm rất thanh tịnh                              

An trụ nơi hư không”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Hoa Tạng Thế Giới thứ 5.

 

Bên trong bông hoa là những thế giới nhiều như những hạt bụi. Vì thế mà gọi là Hoa Tạng Thế Giới. Hệ thống thế giới đó có hai mươi tầng, trong mỗi tầng có vô lượng thế giới. Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới Ta Bà ở tầng thứ mười ba.

Khi một người giác ngộ, thì người ấy có thể nhìn thấy “sự ô trược và thanh tịnh cùng trộn lẫn và hòa quyện với nhau”. Chủ thể và khách thể hòa lẫn vào nhau cho tới tận cùng của vũ trụ, người ấy có thể nghe thấy kinh Hoa Nghiêm luôn luôn được thuyết giảng.

Những cảnh giới trí huệ như thế giúp cho cái tâm nhỏ bé của chúng ta không bị đông lại, nó nhắc nhở chúng ta là cái thế giới mà chúng ta quá bận rộn lo lắng về nó không có chi là to lớn cả.

Đêm đến, chúng tôi học những chân lý cổ xưa và giác ngộ này. Thế nhưng đến ban ngày thì tôi vẫn chẳng nhìn thấy gì cả.  Nhà Sư nói, “Mong rằng chư Phật sẽ hiển hiện trong mỗi một và tất cả mọi thứ ông nhìn thấyt”. Làm sao mà người ta có thể nhìn thấy chư Phật trong mọi thứ được?

Đức Phật từ đâu đến? Kinh dạy rằng, chư Phật đến từ bên trong tâm trí của chúng ta: khi tâm trí thanh tịnh, thì chư Phật xuất hiện.

“Như có người muốn thấy

Phật đồng số chúng sanh

Đều ứng như tâm kia

Mà thiệt không chỗ đến.  

Dùng Phật làm cảnh giới

Chuyên niệm mà chẳng dứt

Người này được thấy Phật,

Số đó cùng tâm đồng”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Đâu Suất Kệ Tán Thán thứ 24.

Thân của chư Phật không tách rời với tất cả thân trong thế giới ô trược. Hiểu và biết được tự tánh chân thật của chính mình thì là một vị Phật rồi.

 

Về nỗi sợ hãi:

“Bồ Tát này đã lìa ngã kiến không có ngã tưởng nên không kinh sợ về sự chết. Bồ Tát khéo hộ trì gìn giữ các căn.”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Địa thứ 26.

 

Phật tử không sợ những người khác làm hại mình; mà chỉ sợ rằng mình sẽ làm hại người khác. Phật tử không sợ phải chịu thua thiệt; mà họ chỉ sợ rằng không kịp thời làm việc có ích cho những người khác. Vì thế họ rất cẩn thận và thận trọng về những việc họ làm. Tại sao? Bởi vì họ biết rằng tất cả những gì họ làm đều có quả báo. Làm tốt thì quả báo tốt; gây hại thì sẽ bị tổn hại. Đệ tử của Phật thì không hoài nghi hay đề phòng đối với những người khác, mà chỉ quán sát các cửa căn của mình như mèo rình lỗ chuột. Kẻ giữ gìn các căn của mình như vậy thì không cần có sự bảo hộ khác. Bởi vì không còn có tự ngã, thì còn có gì để lo sợ nữa?

 

 

Hằng Triều - 22 tháng 4 năm 1978

Tôi từ chối nhìn lại cô ta một lần nữa

 

"Ví như họa sư kia”

Một ngày nóng nực tuần trước, tôi mất kiên nhẫn ở cả trong lẫn ngoài thân và tôi đã leo trở lại để tắm trong một hồ nước sâu, mát lạnh và trong như ngọc dưới chân một thác nước nhỏ. Thật thú vị - quá thú vị. Đêm tôi nằm mơ, tôi gặp một ma chướng trong hình dáng của một phụ nữ rất đẹp và cuốn hút. Tôi tỉnh dậy kiệt sức và bị phân tán.

Hôm nay, đáng lẽ ra tôi đi lạy, thì tôi lại dừng lại để viết thơ tán thán nhân ngày sinh nhật của Sư Phụ. Đó là vọng tưởng. Tại sao? Động cơ của tôi là xu nịnh thầy của mình với hy vọng nhận được sự tán dương và công nhận, để giành được sự tán thành của Sư Phụ. Những suy nghĩ kiểu như này gọi là “lạc đề” và bị tản mát ra xa khỏi chánh niệm. Ngay khi tôi ngồi xuống và cuốn hút vào việc làm thơ kệ, thì một chiếc xe đi tới rồi dừng lại.

“Chào người anh em. Có chuyện gì vậy? Đây là Patti, còn tôi là Lou”, một người đàn ông cao lớn có cái nhìn kiểu hoang dã. Anh ta đưa tay ra và nói,

“Tôi bắt tay được không, hay làm gì thì phù hợp với một nhà sư ?”

“Việc ấy không cố định. Bất cứ cách gì anh cảm thấy đúng đắn”, tôi đáp lại có chút không chắc chắn.

“À thế thì bắt tay nhé!” anh ta nói rồi đưa mạnh tay ra sau khi lau tay mấy lần vào quần. “Tôi là người Cơ Đốc Giáo, nên tôi đoán rằng tôi sẽ nói, ‘Chúa phù hộ anh’”.

 Có một phụ nữ đi cùng anh ta, nhưng tôi đã không nhìn cô ta vì cô ta yên lặng và đứng ở một bên. Lou nói rằng anh ta muốn cúng dường rồi đi trở lại chiếc xe. Người phụ nữ lúc này di chuyển tới gần hơn rồi đứng trước mặt tôi. Tôi nhìn mặt cô ta và ngay lập tức cảm thấy bụng tôi giật thót. Cô ta chính là con quỷ xinh đẹp đã đánh bẫy tôi trong giấc mơ đêm hôm tắm dưới thác nước tuần trước.

Một nụ cười tinh quái hiện trên khuôn mặt khi cô ta nhận ra tôi đã kết nối và nhìn cô ta. Tôi nghĩ mình đã toát mồ hôi và mặt trắng bệch ngay tại chỗ.

May thay, Lou sải bước trở lại với một hòn đá lớn trong tay. “Đây là ngọc bích. Tảng lớn nhất tôi có. Nó là viên lớn nhất mà tôi tìm được. Xin lỗi vì nó không được nhiều lắm. Anh có thể mài rồi đánh bóng, có thể khắc chạm trổ nó”, anh ta nói trong khi cọ xát hòn đá lên mũi rồi lau vào quần jean của mình để cho nó sáng bóng lên. Patti liên tục cố gắng bắt lấy ánh mắt của tôi. Nhưng tôi đã từ chối nhìn lại cô ta một lần nữa.

“Có thể nó đáng giá mười đô la nếu anh đánh bóng nó cho kỹ.”,Lou tuyên bố như vậy, đưa hòn đá ngọc bích lên dưới ánh nắng rồi trao nó cho tôi.

“Chúc may mắn nhé, người anh em. Hãy tự lo cho mình,”, Lou nói rồi bắt tay và chào tạm biệt.

Làm sao mà một con quỷ cám dỗ tôi gặp trong mơ lại đột nhiên hiện ra ngay trước mặt tôi một tuần sau đó khi chúng tôi lạy trên xa lộ được? Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng,

“Ví như nhà họa sư

Chẳng biết được tự tâm

Mà do tâm nên vẽ

Các pháp tánh như vậy”

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Dạ Ma Cung Kệ Tán Thán thứ 20.

 

Việc gặp Patti chính là một pháp, một “bức họa” do chính tâm tôi tạo nên. Ấy vậy mà người họa sĩ lại chẳng biết làm thế nào mà tâm trí anh ta lại vẽ lên bức họa đó, tương tự như vậy, tôi đã không biết làm thế nào mà tâm trí mình đã vẽ lên Patti. Và tuy thế, nghiệp báo thì không mảy may sai lệch. Quả báo là do nghiệp tạo ra. Ba nghiệp của thân, khẩu và ý có thể tác động tới những việc không thể tưởng tượng nổi, và những gì bắt đầu chỉ là một ý niệm trong tâm có thể đột nhiên trở thành hiện thực ngay trước mắt như thể có phép lạ vậy.

“Như nhà ảo thuật giỏi

Ở tại ngã tư đường

Hiện ra những sắc tướng

Nghiệp chướng cũng như vậy”

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ 10.

 

Sau này, chúng tôi hỏi Sư Phụ về ma quỷ và làm thế nào để đối phó với chúng.

“Các tình trạng ma quỷ đó xuất phát từ một mảy may ham muốn hoặc bám chấp trong tâm trí con, nó kết hợp với các nhân duyên bên ngoài mà hiện ra ma quỷ. Cái độc bên trong kết hợp với cái độc bên ngoài”, Hòa Thượng trả lời.

“Vậy chúng con nên ứng xử lúc ấy như thế nào khi gặp những ma chướng?” chúng tôi hỏi.

“Không động. Đừng động tâm. Vượt qua mọi ma quỷ bằng công phu kiên nhẫn. Khi nghiệp chướng hoặc ma quỷ phát sinh, nếu các con nhận ra được chúng thực sự là gì, thì lúc đó các con không để ý tới chúng. Hành xử như thể chúng không hiện hữu.”, Hòa Thượng trả lời.

“Có phương pháp đặc biệt nào để điều phục chúng không?”, chúng tôi hỏi.

“Chỉ có cách phòng ngự duy nhất đối với ma quỷ là lòng từ bi. Đừng đấu tranh với chúng. Hãy cứu và độ chúng”, Hòa Thượng đáp lại.

“Một số ma chướng thật hết sức mãnh liệt”, tôi nói.

“Ích kỷ đưa ma quỷ tới. Nếu con không có tham muốn và không tìm cầu, thì con sẽ chẳng bị phiền não. Con sẽ có thể chuyển hóa tất cả ma quỷ”, Hòa Thượng trả lời.

Một mảy may ham muốn hay bám chấp cũng giống như là hạt giống trong tâm – sớm muộn gì nó sẽ nảy sinh ra rắc rối. Dù trong mơ hay trong “thực tế”, thì cái tâm ấy tự nó chẳng phân biệt. Tâm chẳng ở trong cũng không ở ngoài. Tâm rộng không ngằn mé và thường vô trụ; vô biên, không có thời gian và không gian.

“Tâm đó luôn chẳng trụ

Vô lượng khó nghĩ bàn

Thị hiện tất cả sắc

Đều riêng chẳng biết nhau”

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Dạ Ma Cung Kệ Tán Thán thứ 20.

 

 

Hằng Thật - Ngày 23 tháng 4 năm 1978

Quý vị sẽ bị nước bắn tung tóe vào mà nước thì vẫn chảy thoát đi.

 

“Phải nói ra mọi lỗi lầm của mình, không được che đậy mọi vết nhơ nhuốc và những sai lầm. Mọi chất độc nguy hại và cỏ độc cần phải nhanh chóng được rũ bỏ. Phơi bày ra gốc rễ của chúng, như thế chúng sẽ héo khô. Khi suối nguồn khô cạn thì dòng chảy sẽ không còn”.

Hoa Nghiêm Sớ Sao (1)

 

Nỗ lực để bắt buộc chấm dứt những thói quen xấu hoặc che giấu những thói quen xấu thì giống như dùng ngón tay cái chặn dòng nước đang phóng mạnh từ vòi nước: quý vị sẽ bị nước bắn tung tóe vào và nước thì vẫn chảy đi. Để kiểm soát và thay đổi tình hình, cần phải đóng nước lại từ nguồn của nó. Đừng trú ngụ trong những triệu chứng của thói quen, hãy sửa sai từ nguồn gốc của nó: vọng tâm của những tà kiến (tư tưởng lầm lạc).

Hãy đi về ánh sáng mặt trời, làm mới lại mỗi ngày, sám hỗi những lỗi lầm xưa. Tinh tấn, kiên nhẫn, tạo chỗ cho những chồi non mạnh mẽ của chánh kiến. Kinh Hoa Nghiêm có Pháp môn để đối trị mọi phiền não mà tâm sinh ra. Bí mật để thay đổi thực sự là tu hành theo Pháp. Hãy chọn một phương pháp và dùng thuốc để đắp lên chỗ đau trong tư tưởng của mình. Nhập vào

“ … Niệm niệm trung Phật nhật thường xuất hiện Tam muội".

(Tam muội trong mỗi niệm mặt trời Đức Phật luôn xuất hiện.) (2)

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập Pháp Giới

 

 

Ghi chú:

(1) 華嚴疏鈔 : Hoa Nghiêm Sớ Sao - Hoa Nghiêm Chú Giải.

Năm thứ tư, niên hiệu Kiến Trung, Quốc Sư Thanh Lương đã viết xong bộ Hoa Nghiêm Sớ Sao; bộ sớ sao này là bản chú giải cho Kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng nhất.

Trước khi viết bộ Sớ Sao, ngài cầu nguyện chư Bồ-tát trong Hoa Nghiêm Hải Hội gia bị. “Gia bị” chính là giúp đỡ ngài. Có một tối, ngài nằm mộng thấy trên đỉnh núi đều biến thành màu vàng kim. Khi tỉnh mộng, Ngài biết đó là quang minh biến chiếu. Từ đó về sau, ngài viết Hoa Nghiêm Sớ Sao vô cùng thuận lợi, chẳng cần phải nỗ lực suy tư gì cả. Thông thường khi viết văn, phần nhiều chúng ta phải suy nghĩ để viết từng câu từng lời. Còn Ngài không cần phải suy nghĩ, viết nhanh tựa như chép bài vậy. Trải qua bốn năm, Ngài đã chú giải hoàn toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi viết xong ngài lại nằm mộng, cũng không quyết chắc có phải là mộng hay không, nhưng Ngài đã thấy một cảnh giới như vầy nên có thể tạm gọi là mộng. Ngài mộng thấy mình biến thành một con rồng, rồi từ con rồng ấy lại biến thành nghìn nghìn, vạn vạn, vô lượng vô biên con rồng như thế, bay đến những thế giới khác. Đó là Ngài đã thấy được cảnh giới Hoa Nghiêm. Mọi người đều cho rằng đó là biểu trưng cho ý nghĩa của sự lưu thông.  http://www.dharmasite.net/QuocSuThanhLuongvaKinhHoaNghiem.htm

 

(2) Nguyên văn: 念念中佛日常出現三昧 - Niệm niệm trung Phật nhật thường xuất hiện Tam muội" - Tam muội trong mỗi niệm mặt trời Đức Phật luôn xuất hiện.

Tam muội là Định kiên cố, có vô số Tam muội, một số được đề cập trong Kinh Hoa Nghiêm. Ví dụ như:

大方廣佛華嚴經卷第六十一http://tripitaka.cbeta.org/T10n0279_061

[0327c25] 彼諸菩薩以種種解、種種道、種種門、種種入、種種理趣、種種隨順、種種智慧、種種助道、種種方便、種種三昧,入如是等十不可說佛剎微塵數佛神變海方便門。

云何種種三昧?

所謂:普莊嚴法界三昧、普照一切三世無礙境界三昧、法界無差別智光明三昧、入如來境界不動轉三昧、普照無邊虛空三昧、入如來力三昧、佛無畏勇猛奮迅莊嚴三昧、一切法界旋轉藏三昧、如月普現一切法界以無礙音大開演三昧、普清淨法光明三昧、無礙繒法王幢三昧、一一境界中悉見一切諸佛海三昧、於一切世間悉現身三昧、入如來無差別身境界三昧、隨一切世間轉大悲藏三昧、知一切法無有迹三昧、知一切法究竟寂滅三昧、雖無所得而能變化普現世間三昧、普入一切剎三昧、莊嚴一切佛剎成正覺三昧、觀一切世間主色相差別三昧、觀一切眾生境界無障礙三昧、能出生一切如來母三昧、能修行入一切佛海功德道三昧、一一境界中出現神變盡未來際三昧、入一切如來本事海三昧、盡未來際護持一切如來種性三昧、以決定解力令現在十方一切佛剎海皆清淨三昧、一念中普照一切佛所住三昧、入一切境界無礙際三昧、令一切世界為一佛剎三昧、出一切佛變化身三昧、以金剛王智知一切諸根海三昧、知一切如來同一身三昧、知一切法界所安立悉住心念際三昧、於一切法界廣大國土中示現涅槃三昧、令住最上處三昧、於一切佛剎現種種眾生差別身三昧、普入一切佛智慧三昧、知一切法性相三昧、一念普知三世法三昧、念念中普現法界身三昧、以師子勇猛智知一切如來出興次第三昧、於一切法界境界慧眼圓滿三昧、勇猛趣向十力三昧、放一切功德圓滿光明普照世間三昧、不動藏三昧、說一法普入一切法三昧、於一法以一切言音差別訓釋三昧、演說一切佛無二法三昧、知三世無礙際三昧、知一切劫無差別三昧、入十力微細方便三昧、於一切劫成就一切菩薩行不斷絕三昧、十方普現身三昧、於法界自在成正覺三昧、生一切安隱受三昧、出一切莊嚴具莊嚴虛空界三昧、念念中出等眾生數變化身雲三昧、如來淨空月光明三昧、常見一切如來住虛空三昧、開示一切佛莊嚴三昧、照明一切法義燈三昧、照十力境界三昧、三世一切佛幢想三昧、一切佛一密藏三昧、念念中所作皆究竟三昧、無盡福德藏三昧、見無邊佛境界三昧、堅住一切法三昧、現一切如來變化悉令知見三昧、念念中佛日常出現三昧、一日中悉知三世所有法三昧、普音演說一切法性寂滅三昧、見一切佛自在力三昧、法界開敷蓮華三昧、觀諸法如虛空無住處三昧、十方海普入一方三昧、入一切法界無源底三昧、一切法海三昧、以寂靜身放一切光明三昧、一念中現一切神通大願三昧、一切時一切處成正覺三昧、以一莊嚴入一切法界三昧、普現一切諸佛身三昧、知一切眾生廣大殊勝神通智三昧、一念中其身遍法界三昧、現一乘淨法界三昧、入普門法界示現大莊嚴三昧、住持一切佛法輪三昧、以一切法門莊嚴一法門三昧、以因陀羅網願行攝一切眾生界三昧、分別一切世界門三昧、乘蓮華自在遊步三昧、知一切眾生種種差別神通智三昧、令其身恒現一切眾生前三昧、知一切眾生差別音聲言辭海三昧、知一切眾生差別智神通三昧、大悲平等藏三昧、一切佛入如來際三昧、觀察一切如來解脫處師子頻申三昧……。

菩薩以如是等不可說佛剎微塵數三昧,入毘盧遮那如來念念充滿一切法界三昧神變海。
 

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39, phần 1. http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem39PhamNhapPhapGioi1.htm

Chư Bồ Tát đó dùng những giải, những đạo, những môn, những nhập, những lý thú, những tùy thuận, những trí huệ, những trợ đạo, những phương tiện, những tam muội mà nhập mười bất khả thuyết Phật sát vi trần số Phật thần biến hải phương tiện môn như vậy.

Thế nào là những tam muội ?

Những là : Phổ trang nghiêm pháp giới tam muội, phổ chiếu nhứt thiết tam thế vô ngại cảnh giới tam muội, pháp giới vô sai biệt trí quang minh tam muội, nhập Như Lai cảnh giới bất động chuyển tam muội, phổ chiếu vô biên hư không tam muội, nhập Như Lai lực tam muội, Phật vô úy dũng mãnh phấn tấn trang nghiêm tam muội, nhứt thiết pháp giới triền chuyển tạng tam muội, như nguyệt phổ hiện nhứt thiết pháp giới dĩ vô ngại âm đại khai diễn tam muội, phổ thanh tịnh pháp quang minh tam muội, vô ngại tắng Pháp Vương tràng tam muội, nhứt nhứt cảnh giới trung tất kiến nhứt thiết Chư Phật hải tam muội, ư nhứt thiết thế gian tất hiện thân tam muội, nhập Như Lai vô sai biệt thân cảnh giới tam muội, tùy nhứt thiết thế gian chuyển đại bi tạng tam muội, tri nhứt thiết pháp vô hữu tích tam muội, tri nhứt thiết pháp cứu cánh tịch diệt tam muội, tuy vô sở đắc nhi năng biến hóa phổ hiện thế gian tam muội, phổ nhập nhứt thiết sát tam muội trang nghiêm nhứt thiết Phật sát thành chánh giác tam muội, quán nhứt thiết thế gian chủ sắc tướng sai biệt tam muội, quán nhứt thiết chúng sanh cảnh giới vô chướng ngại tam muội, năng xuất sanh nhứt thiết Như Lai mẫu tam muội, năng tu hành nhập nhứt thiết Phật hải công đức đạo tam muội, nhứt nhứt cảnh giới trung xuất hiện thần biến tận vị lai tế tam muội, nhập nhứt thiết Như Lai bổn sự hải tam muội, tận vị lai tế hộ trì nhứt thiết Như Lai chủng tánh tam muội, dĩ quyết định giải lực linh hiện tại thập phương nhứt thiết Phật sát hải giai thanh tịnh tam muội, nhứt niệm trung phổ chiếu nhứt thiết Phật sở trụ tam muội, nhập nhứt thiết cảnh giới vô ngại tế tam muội, linh nhứt thiết thế giới vi nhứt Phật sát tam muội, xuất nhứt thiết Phật biến hóa thân tam muội, dĩ Kim Cang vương trí tri nhứt thiết chư căn hải tam muội, tri nhứt thiết Như Lai đồng nhứt thân tam muội, tri nhứt thiết pháp giới sở an lập tất trụ tâm niệm tế tam muội, ư nhứt thiết pháp giới quảng đại quốc độ trung thị hiện Niết bàn tam muội, linh trụ tối thượng xứ tam muội, ư nhứt thiết Phật sát hiên chủng chủng chúng sanh sai biệt thân tam muội, phổ nhập nhứt thiết Phật trí huệ tam muội, tri nhứt thiết pháp tánh tướng tam muội, nhứt niệm phổ tri tam thế pháp tam muội, niệm niệm trung phổ hiện pháp giới thân tam muội, dĩ sư tử dũng mãnh trí tri nhứt thiết Như Lai xuất hưng thứ đệ tam muội, ư nhứt thiết pháp giới cảnh giới huệ nhản viên mãn tam muội, dũng mãnh xu hướng thập lực tam muội, phóng nhứt thiết công đức viên mãn quang minh phổ chiếu thế gian tam muội, bất động tạng tam muội, thuyết nhứt pháp phổ nhập nhất thiết pháp tam muội, ư nhứt pháp dĩ nhứt thiết ngôn âm sai biệt huấn thích tam muội, diễn thuyết nhứt thiết Phật vô nhị pháp tam muội, tri tam thế vô ngại tế tam muội, tri nhứt thiết kiếp vô sai biệt tam muội, nhập thập lực vi tế phương tiện tam muội, ư nhứt thiết kiếp thành tựu nhứt thiết Bồ Tát hạnh bất đoạn tuyệt tam muội, thập phương phổ hiện thân tam muội, ư pháp giới tự tại thành chánh giác tam muội, sanh nhứt thiết an ổn thọ tam muội, xuất nhứt thiết trang nghiêm cụ trang nghiêm hư không giới tam muội, niệm niệm trung xuất đẳng chúng sanh số biến hóa thân vân tam muội, Như Lai tịnh không nguyệt quang minh tam muội, thường kiến nhứt thiết Như Lai trụ hư không tam muội, khai thị nhứt thiết Phật trang nghiêm tam muội, chiếu minh nhứt thiết pháp nghĩa đăng tam muội, chiếu thập lực cảnh giới tam muội, tam thế nhứt thiết Phật tràng tướng tam muộ, nhứt thiết Phật nhứt mật tạng tam muội, niệm niệm trung sở tác giai cứu cánh tam muội, vô tận phước đức tạng tam muội, kiến vô biên Phật cảnh giới tam muội, kiên trụ nhứt thiết pháp tam muội, hiện nhứt thiết Như Lai biến hóa tất linh tri kiến tam muội, niệm niệm trung Phật nhựt thường xuất hiện tam muội, nhứt nhựt trung tất tri tam thế sở hữu pháp tam muội, phổ âm diễn thuyết nhứt thiết pháp tánh tịch diệt tam muội, kiến nhứt thiết Phật tự tại lực tam muội, pháp giới khai phu liên hoa tam muội, quán chư pháp như hư không vô trụ xứ tam muội, thập phương hải phổ nhập nhứt phương tam muội, nhập nhứt thiết pháp giới vô nguyên để tam muội, dĩ tịch tịnh thân phóng nhứt thiết quang minh tam muội, nhứt niệm trung hiện nhất thiết thần thông đại nguyện tam muội, nhất thiết thời nhất thiết xứ thành chánh giác tam muội, dĩ nhất trang nghiêm nhập nhất thiết pháp giới tam muội, phổ hiện nhất thiết chư Phật thân tam muội, tri nhất thiết chúng sanh quảng đại thù thắng thần thông trí tam muội, nhứt niệm trung kỳ thân biến pháp giới tam muội, hiện nhất thừa tịnh pháp giới tam muội, nhập phổ môn pháp giới thị hiện đại trang nghiêm tam muội, trụ trì nhứt thiết Phật pháp luân tam muội, dĩ nhứt thiết pháp môn trang nghiêm nhứt pháp môn tam muội, dĩ nhơn đà la võng nguyện hạnh nhiếp nhất thiết chúng sanh giới tam muội, phân biệt nhất thiết thế giới môn tam muội, thừa liên hoa tự tại du bộ tam muội, tri nhất thiết chúng sanh chủng chủng sai biệt thần thông trí tam muội, linh kỳ thân hằng hiện nhất thiết chúng sanh tiền tam muội, tri nhất thiết chúng sanh sai biệt âm thanh ngôn từ hải tam muội, tri nhất thiết chúng sanh sai biệt trí thần thông tam muội, đại bi bình đẳng tạng tam muội, nhứt thiết Phật nhập Như Lai tế tam muội, quán sát nhất thiết Như Lai giải thoát xứ sư tử tần thân tam muội.

Bồ tát dùng bất khả thuyết Phật sát vi trần số tam muội như vậy mà nhập Tỳ Lô Giá Na Như Lai niệm niệm sung mãn nhất thiết pháp giới tam muội thần biến hải.

 

Hằng Triều • 23 tháng 4 năm 1978

Cẩn thận – Thường xuyên có đá rơi

 

"Tâm rơi"

Sau ba giờ lạy đều đặn, sự chú tâm bắt đầu tản mát và tâm trí bắt đầu chơi trò lừa phỉnh. Nó luồn lách và ngoằn ngoèo, khao khát một cái gì đó quen thuộc và thèm muốn “bản ngã và những gì thuộc về bản ngã”.  Như:

- Lén lút vào nhà thờ trễ để kịp dự mười phút cuối trong buổi lễ Mi Sa ngày chủ nhật, rồi sau đó hòa nhập cùng với gia đình ở bên ngoài, làm như thể là tôi đã ở đó suốt cả buổi lễ vậy. Thật ra, tôi đã ở ngoài trèo lên cây táo và khám phá các con hẻm.

- Đọc cuốn Những Tiểu Luận của Emerson được giấu đằng sau bìa sách “Kinh Mi Sa Nhật Tụng” trong suốt buổi lễ và giảng kinh ở nhà thờ.

- Hát thánh ca với mẹ tôi giống như hai thủy thủ say rượu, tôi quá nhỏ để thấy vượt qua hàng ghế trong nhà thờ.

- Cha và con trai ăn sáng trong tầng hầm của trường học thánh Joe’s Parichial. Bánh ngọt chiên, bộ áo vest cứng ngắt và cà vạt, trong khi các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nói chuyện cho Hội Hiệp Sĩ Columbus.

- Tiệc giáng sinh của trường Midwed thuộc khu thị trấn nhỏ tại câu lạc bộ Elks. Hàng trăm đứa trẻ hát Thánh ca giọng to hết cỡ cho tới khi ông già Noel hối hả đi vào. Suýt nữa thì hỗn loạn.

- Những bức ảnh chụp ba tôi cùng với các chú, bác trong những bộ váy dài và tóc ngang vai, những bức chụp kiểu tóc xoăn khi đến tuổi dậy thì, hoặc khi có hai chiếc quần chẽn gối và lần cắt tóc đầu tiên. Hồi đầu thế kỷ, người Ái Nhĩ Lan – Hòa Lan. Một buổi lễ lúc vừa trưởng thành.

- Ký ức sống trong cung điện. Những căn phòng dài, rộng rãi và những hanh lang. Cảm giác có tất cả mọi thứ, nhưng sao thấy trống trải và tim thấy bồn chồn. Giàu có về vật chất nhưng lại thấy hụt hẫng và muốn tìm kiếm cái gì đó chân thực.

Tất cả những ký ức này lóe lên trong tâm trí tôi khi tôi đứng dậy sau một lạy. Cú lướt qua của tâm trí. Một tấm bảng bên lề đường ghi, “Cẩn thận Thường có đá trượt rơi xuống”. Nhanh và bất ngờ do một phần bề mặt núi có thể tách vỡ ra và rơi xuống, tâm trí cũng rơi trượt và phân tán như vậy. Tấm bảng báo bên đường cảnh giác khách du hành những chỗ nguy hiểm trên đường. Kinh Hoa Nghiêm cảnh báo hành giả những chỗ nguy hiểm trong tâm trí.

 

“… nơi thập phương thế giới không sanh tâm chấp lấy ngã và ngã sở, nơi các thế gian không lòng phân biệt, nơi các cảnh giới chẳng hề nhiễm trước…”

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 * * *

Cảnh giới: Mỗi giây là áp lực khắc nghiệt, đồng thời băng giá và nóng nực, hoan hỷ và đau khổ. Tu hành là điều khó khăn nhất và cũng tuyệt vời nhất mà tôi từng làm. “Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành”

* * *

"Đó là thái cực quyền hay yoga?" một người đàn ông nhỏ nhắn với bộ râu trắng nói to từ chiếc xe đạp của ông ta lúc 6:00 sáng.

“Đó là lễ lạy”

“À thế hả, tôi biết rồi”, ông ta vừa nói vừa đạp xe tấp vào để nói chuyện. Tên ông ta là Paul Bore, kỹ sư đường xa lộ cư dân của tiểu bang Califonia làm cho Đường Bờ Biển số 1 đã hơn mười lăm năm.

“Tôi không thể ngồi được, dường như vậy. Đi xe đạp vào buổi sáng sớm là cách thiền của tôi. Vợ tôi thì hoàn toàn ngồi được, cô ấy chạy bộ, tập thể dục rồi ngồi thiền. Tôi xây cho cô ấy một cái sân ở ngoài trời. Nó rất tuyệt! Rồi sau đó cô ấy đi làm. Cô ấy là y tá”, ông Bore nói.

“Chúng tôi đã từng đến Nepal và nghĩ đến chuyện quay lại. Vợ tôi muốn sống vài tháng trong một tu viện. Tôi sắp về hưu và tôi đang tìm một nơi nào đó để làm công việc nhân đạo, việc mà tôi thích làm nhất”.

“…muốn ban cho chúng sanh tất cả sự an lạc, muốn làm đại thí chủ của chúng sanh… Bồ Tát tưởng nhớ khắp cả chúng sanh, thường theo gìn giữ họ…”

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Chúng tôi nói chuyện về Vạn Phật Thánh Thành, trường Đại Học Phật Giáo Pháp Giới, về bệnh viện, trường học và về việc thiết lập tu viện của Thánh Thành. Paul bị cuốn hút vào lý tưởng Bồ tát làm lợi ích cho bản thân bằng cách làm lợi ích cho người khác và giác ngộ bản thân bằng cách giác ngộ những người khác.

“Tôi có rất nhiều kỹ năng nhưng việc xây dựng đường xá là việc tôi làm giỏi nhất”, ông ấy nói. “Chúng tôi luôn quan sát các thầy và thực sự quan tâm tới việc các thầy làm. Con trai chúng tôi sống trên một khu đất gần Đạo tràng của các thầy. Ở đó có tuyết rơi vào tuần trước. Cả khu đất bị phủ trắng xóa, rất đẹp.

Khi Paul thong thả đạp xe đi khỏi với tốc độ chừng 10 dặm/giờ (16km/h), thì tôi vẫn không thể nào nhớ ra được đoạn Kinh Nhân Quả nói về phúc báo có được từ việc xây dựng cầu đường là được hưởng thụ tất cả các phương tiện giao thông giúp chân họ không bị mệt mỏi.

Tôi nghĩ về người đàn ông lớn tuổi từ Đài Loan đã buồn rầu nói với chúng tôi rằng, “Đây là thời đại khoa học. Không ai tin vào bất cứ điều gì nữa”. Nhưng ở đây có Paul Bore, một kỹ sư được đào tạo trong truyền thống khoa học, nói rằng, “Công việc nhân đạo là việc mà tôi thích làm nhất”. Ông ấy xây cầu và đường, vợ làm y tá và cả hai đều học Đạo Phật.

Thật sự ra, khoa học nằm trong Đạo Phật. Khoa học là một nhánh của Đạo Phật. Ví dụ như Kinh Hoa Nghiêm là một bài luận phức tạp tinh vi và cao cấp về vật lý. Kinh chứa đựng một sự mô tả tỉ mỉ về các sự sắp xếp phân tử và các “lãnh vực” hạ nguyên tử (1) của vũ trụ. Như một giáo sư Đai học về ngành Kỹ thuật Cơ khí nói,

“Khi tôi nói rằng Đạo Phật là khoa học và khoa học cũng chính là Đạo Phật, thì tôi đã nới rộng cả hai lãnh vực. Đạo Phật là sự nghiên cứu về chân lý của tâm – nếu mở rộng ra, thì nó cũng bao gồm sự nghiên cứu về tâm trí nữa. Khoa học nghiên cứu về sự thật của các vật thể vật chất – nếu mở rộng ra, quy mô của nó cũng bao gồm cả sự nghiên cứu về tâm nữa”.

Giáo sư Yu Kou K’ung – trường Đại học Alabama

 

Tuổi của khoa học thì nhỏ và tương đối ngắn ngủi. Sự sống còn của nó là điều không chắn chắn. Mỗi ngày nó tăng tốc nhanh hơn và nhanh hơn tới sự kết thúc của chính nó.

Không có đức hạnh thì chẳng có gì tồn tại cả. Khoa học biết cách tạo ra sức mạnh nhưng lại không biết cách kiểm soát nó – bằng chứng là bom nguyên tử.

Gần đây, các nhà khoa học đang tiên phong trong các khám phá mà đã chứng minh và chứng thực những gì mà các bậc thầy giác ngộ đã từng biết bằng trực giác từ thời thượng cổ: rằng tất cả là một, và rằng nhất thiết đều do tâm tạo. Những đột phá hiện đại này không thực sự mới mẻ chút nào cả. Như Plato đã nói: “Tất cả sự học đơn giản chỉ là việc ghi nhớ”.

 

Ghi chú:

(1) In the physical sciences, subatomic particles are particles much smaller than atoms. There are two types of subatomic particles: elementary particles, which according to current theories are not made of other particles; and composite particles. Particle physics and nuclear physics study these particles and how they interact. https://en.wikipedia.org/wiki/Subatomic_particle

Trong khoa học vật lý, hạt hạ nguyên tử là những hạt nhỏ hơn nguyên tử nhiều. Có hai loại hạt hạ nguyên tử: hạt sơ cấp, theo các lý thuyết hiện nay là không do những hạt khác làm thành, và hạt tổng hợp. Ngành vật lý hạt và vật lý hạt nhân nghiên cứu những hạt này và cách chúng tương tác.

(Còn tiếp)